Tuesday, May 12, 2015

SA SÚT TRÍ TUỆ

1.     Thế nào là bệnh sa sút trí tuệ (SSTT)

SSTT là sự suy giảm chức năng trí tuệ và những lĩnh vực khác về nhận thức, dẫn đến giảm khả năng hoạt động sống hàng ngày. Đây là một trong những rối loạn ảnh hưởng trầm trọng nhất đến người cao tuổi. Đặc trưng của bệnh là sự suy giảm nhận thức xảy ra trong tình trạng ý thức vẫn bình thường và đó không phải là loại rối loạn nhận thức có thể phục hồi như mê sảng hay trầm cảm.

Cần phân biệt SSTT với hội chứng quên lành tính do tuổi. Trong quên lành tính, bệnh nhân thường chỉ quên các thông tin không quan trọng, có thể nhớ lại khi được gợi ý, khi họ chủ tâm nhớ họ có thể nhớ được, không kèm theo các rối loạn nhận thức khác và không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Ngược lại trong SSTT , bệnh nhân quên cả những thông tin quan trọng, dù có gợi ý hay chủ tâm cũng không thể nhớ được, luôn kèm theo giảm khả năng suy luận va ính toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bệnh nhân.

2.     Các biểu hiện của SSTT

Bệnh tiến triển từ từ, thầm lặng trong thời gian dài. Cần lưu ý là nhiều bệnh nhân SSTT bề ngoài trông vẫn có vẻ bình thường, nên bệnh thường dễ bị bỏ sót, không được phát hiện sớm. các biểu hiện của SSTT bao gồm

·        Giảm trí nhớ

Giảm trí nhớ là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của SSTT được bệnh nhân và người thân chú ý tới. Trí nhớ giảm ngày càng nhiều. Bệnh nhân thường để quên các đồ vật hàng ngày, quên đường, quên các công việc cần làm.

·        Rối loạn định hướng về không gian và thời gian

Bệnh nhân không biết hoặc trả lời sai về ngày, tháng ở thời điểm khám bệnh, nơi sinh, địa chỉ cư trú của bệnh nhân và địa điểm nơi họ đang khám bệnh.

·        Rối loạn sự chú ý

Người bệnh giảm sự chú ý khi nói chuyện với người khác, khi trả lời thầy thuốc thường hay lơ đãng.

·        Khả năng suy luận phê bình và đánh gía

Bệnh nhân mất khả năng tự phê bình, không có quan điểm riêng về một vấn đề nào đó, không có khả năng giải đáp nhữn vấn đề rất đơn giản (Ví dụ: A nhỏ hơn B, vậy trong hai người ai lớn tuổi nhất?)

·        Tổn thương ngôn ngữ

Thường biểu hiện bằng ngôn ngữ nghèo nàn, khó hiểu. Người bệnh thường lặp đi lặp lại một từ hoặc lặp lại từ của người đang nói chuyện với mình.

·        Mất khả năng sử dụng động tác

Bệnh nhân khong thực hiện được các dộng tác thông thường như cởi quần áo, chải đầu hoặc vẽ theo các hình mẫu (Ví dụ: vẽ mặt đồng hồ)

Ngoài ra, một số chức năng khác của quá trình nhận thực cũn bị ảnh hưởng làm bệnh nhân mát khả năng sắp xếp kế hoạch (Ví dụ: không làm được các việc đơn giản trong nhà như giặt quần áo, nấu cơm), mất khả năng quản lý tài chính (không thể mua bán những vật dụng đơn giản, quên mặt các loại tiền).

·        Các triệu chứng tâm thần

Các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng: bệnh nhân nghi ngờ có người làm hại mình, hoặc nghĩ có người rình rập, ăn trộm đồ vật trong nhà, hoặc nghi ngờ vợ/ chồng mình không chung thủy…, các ảo giác: bệnh nhân luôn nghe thấy người nói bên tại hoặc nhìn thấy người đã chết hoặc ma quỷ vào ban đêm…), rối loạn hành vi (bệnh nhân thay đổi tính tình, luôn cáu gắt, dễ nổi nóng, hay gây gổ với người khác, kể cả người thân, hay bỏ đi lang thang…, Đôi khi bệnh nhân có các cơn kích động, đập phá đồ đạc, la hét… những triệu chứng này thường xuất hiện vào giai đoạn muộn của bệnh va làm bệnh nhân  cần nhập viện. Các rối loạn khác như trầm cảm cũng hay gặp trong SSTT. Trầm cảm làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân SSTT.

3.     Các giai đoạn của SSTT

SSTT thường diễn biến ngày càng tăng dần

3.1.         Giai đoạn nhẹ

Giảm trí nhớ gần: Bệnh nhân có thể quên điều mình vừa nói và lặp đi lặp lại câu này nhiều lần trong vài phút. Họ thường xuyên quên nơi để những vật dụng cá nhân. Tình trạng quên kéo dài và dẫn đến tâm lý hoang tưởng là bị mất trộm.

Khó diễn đạt ý mình muốn nói hoặc giải thích một điều gì đó. Họ thường phải nói vòng vo, chẳng hạn như không nhớ từ Cà vạt nên phải mô tả nó là một vật quấn quanh cổ áo. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể quên hay khó khăn trong việc sử dụng hoặc làm những công việc hằng ngày như lái xe, giữ tiền, nấu ăn...

Thay đổi cá tính, rối loạn cảm xúc và giảm sự phán đoán. Người bệnh có những hành động không giống như họ đã từng làm, chẳng hạn một người keo kiệt đột nhiên tặng cho hội từ thiện vài chục triệu đồng. Những thay đổi khác như trầm cảm hay hoang tưởng cũng thường xảy ra. Cần lưu ý trong giai đoạn sớm này, hoạt động xã hội của người SSTT vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên họ thường có những thay đổi về tính khí như cáu gắt, tàn nhẫn, kích động...

3.2.         Giai đoạn trung bình

-         Giảm trí nhớ gần, mất định hướng về không gian và thời gian.

-         Rối loạn hành vi, hoang tưởng, ảo giác, dễ kích động.

-         Giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày như tắm rửa, mặc đồ, vệ sinh cá nhân.

3.3.         Giai đoạn nặng

-         Giảm cả trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.

-         Bệnh nhân không thể thực hiện những hoạt động hàng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại và lệ thuộc hoàn toàn vào người thân trong các hoạt động như vẹ sinh, tắm rửa, ăn uống, đi lại..., các biến chứng trong giai đoạn này có thể gặp như suy dinh dưỡng, viêm phổi do sặc ( do mất phản xạ nhai, nuốt), nhiễm trùng... trong trường hợp nặng có thể tử vong.

4.     Chăm sóc bệnh nhân SSTT

Bệnh nhân SSTT có biểu hiện giảm các mặt hoạt động tâm thần, nhất là các hoạt động chăm sóc cá nhân, các hoạt động quan hệ xã hội... do vậy những người mắc chứng SSTT cần được chăm sóc tốt tại gia đình. Người thân của người bệnh cần chú ý những hoạt động sau:

4.1.         Chế độ ăn

Thực hiện chế độ ăn điều độ, hợp lý: tăng lượng rau và hoa quả, giảm mỡ và chất béo. Chế độ ăn hạn chế muối sẽ làm giảm đáng kể huyết áp, bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein, bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia... sẽ giảm thiểu nguy cơ tim mạch và tai biến mạch não.

4.2.         Tập thể dục

Tập thể dục đều đặn thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như SSTT.

-         Tăng cường hoạt động thể lực: thường xuyên tập dưỡng sinh, đi bộ, chơi các môn thể thao phù hợp lứa tuổi.

-         Tăng cường các hoạt động trí óc: đánh cờ, làm thơ, viết văn, tham gia nghiên cứu khoa học...

-         Tham gia các hoạt động tập thể và các hoạt động xã hội: dưỡng sinh, âm nhạc, hội họa, khiêu vũ, thơ, nuôi sinh vật cảnh...

4.3.         Sinh hoạt hàng ngày và vệ sinh cá nhân

Bệnh nhân SSTT thường có biểu hiện giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày như ăn mặc, giặt giũ, nấu ăn, không nhớ được công dụng và giảm khả năng sử dụng các đồ dùng trong nhà, không tự tắm giặt, vệ sinh cá nhân được (đánh răng, rửa mặt, cạo dâu, đại tiều tiện...). Do vậy, người chăm sóc cần giúp đỡ bệnh nhân mặc quần áo, đánh răng, giúp bệnh nhân sử dụng các đồ dùng hàng ngày, nhắc và trợ giúp họ đi vệ sinh...

4.4.         Một số điều cần chú ý

-         Nên để bệnh nhân ở những nơi quen thuộc và an toàn: Bệnh nhân SSTT thường mất định hướng không gian (không biết mình đang ở đâu), thời gian, do vậy rất dễ bị lạc khỏi nhà, khi xa nhà bệnh nhân không tìm được đường về... Bệnh nhân thường dễ bị các tai nạn trong sinh hoạt do khả năng sử dụng đồ đạc kém, do vậy cần để các vật dụng sao cho vừa thuận tiện nhưng tránh được nguy cơ gây tổn thương cho bệnh nhân, sửa đổi cấu trúc của ngôi nhà cho bệnh nhân thuận tiện sinh hoạt, đặt chuông báo động (nếu bệnh nhân đi lại trong nhà), lắp đặt đủ ánh sáng, đặt các biển báo hiệu trong nhà giúp bệnh nhân định hướng. Nên cất bỏ những vật dụng nguy hiểm như dao và các vật sắc nhọn. Phải theo dõi việc sử dụng các vật dụng trong nhà, đảm bảo tắt dụng cụ sau khi sử dụng, nếu có điều kiện nên sử dụng vòi nước tự ngắt... vì bệnh nhân thường hay quên.

-         Dùng thẻ thông tin cá nhân: cho bệnh nhân đeo thẻ thông tin cá nhân bao gồm các thông tin về họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tình trạng sức khỏe,... phòng bệnh nhân bị lạc đường hoặc bị tai nạn.

-         Giảm stress cho bệnh nhân: tránh những tác động tâm lý không tốt với bệnh nhân như cách ly, coi thường, không quan tâm đến những đề xuất, những nhu cầu tình cảm của họ. Nên thăm hỏi bệnh nhân thường xuyên, khuyến khích bệnh nhân duy trì các hoạt động xã hội.

-         Trợ giúp bệnh nhân khi có vấn đề liên quan đến pháp lý như: thừa kế, các chế độ chính sách, thực hiện quyền công dân...

-         Nên đưa bệnh nhân vào các chương trình hoạt động tại cộng đồng như chăm sóc sức khỏe tâm thần ban ngày của các bệnh viện tâm thần, của các trại dưỡng lão, của các câu lạc bộ sức khỏe tại địa phương.

-         Theo dõi những biểu hiện bất thường về tâm thần như kích động, những phản ứng quá mức về cảm xúc, hoang tưởng bị hại, ảo giác... khi đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc điều dưỡng gần nhất.

-         Kịp thời phát hiện các dấu hiệu của ệnh bằng viêc đư bệnh nhân đến khám định kỳ tại các cơ sở y tế... tuân thủ chế độ điều trị của bác sỹ.

-         Theo dõi quá trình bệnh và thuốc điều trị của bệnh nhân: lập sổ theo dõi quá trình mắc bệnh, tiến triển của bệnh, các thuốc đang dùng, ghi rõ loại thuốc, ngày giờ bệnh nhân cần uống thuốc để tiện cho bệnh nhân nhớ giờ uống thuốc và thuận lợi cho những người chăm sóc khác trong gia đình.

4.5.         Thuốc điều trị

Hiện tại chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh SSTT. Các thuốc đang sử dụng chỉ nhằm mục đích làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Các thuốc chủ yếu điều trị triệu chứng của SSTT chia hai nhóm chính: Nhóm ức chế men Cholinesterase bao gồm Galantamine (Biệt dược REMYNIL) hiện có ở thị trường Việt Nam, Donepezil, Revastigmin, Tacrine và nhóm ức chế thụ thể: N-methyl-D-aspartate là Memantine. Các thuốc này không không ngăn chặn được tiển triển tự nhiên của bệnh mà chỉ kiểm soát và cải thiện và cải thiện triệu chứng, trong đó nhóm thuốc ức chế cholinesterase là thuốc chính trong điều trị SSTT và hiệu quả càng cao khi điều trị trong giai đoạn sớm của bệnh. Nhóm ức chế thụ thể N-methyl-D-aspartate (Memetine) được chỉ định trong bệnh Alzhemer giai đoạn trung bình và nặng, trong SSTT do mạch máu và SSTT hỗn hợp. Ngoài ra, ác thuốc khác có thể kết hợp và hỗ trợ trong điều trị SSTT như Selegiline (ức chế chọn lọc men Monoamine oxidase-B để bảo vệ tế bào thần kinh), Ginkgo biloba, Vitamin E, Oestrogen và các thuốc kháng viêm không steroids... nhưng hiệu quả còn đang nghiên cứu.

####################################

Theo: BV Lão Khoa Tw

               
  PHÙNG THANH TUẤN       
   
https://www.youtube.com/user/phungthanhtuan/videos


                                            

No comments:

Post a Comment