Tuesday, October 4, 2022

Đường dây làm giả sổ đỏ, CCCD gắn chip ở Sài Gòn

Nguyễn Văn Thái, 30 tuổi, thuê nhà trọ ở TP Thủ Đức, mua máy móc rồi cùng đồng phạm làm giả sổ đỏ, CCCD gắn chip... với giá vài triệu đồng.

Ngày 4/10, Thái cùng Võ Văn Tư (34 tuổi), Phạm Văn Triều (40 tuổi) bị Công an TP Thủ Đức bắt về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Thái (giữa) và những đồng phạm. Ảnh: Nhật Vy

Nguyễn Văn Thái (giữa) và các đồng phạm. Ảnh: Nhật Vy

Theo điều tra, Thái cùng Tư thuê trọ tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức, đầu tư mua máy móc về làm giả các loại giấy tờ. Bộ đôi đăng quảng cáo trên các diễn đàn, nhóm kín về việc làm giấy tờ, bằng cấp "bằng mắt thường không biết là giả" với giá từ một triệu đến vài triệu đồng, tuỳ độ khó; hứa bảo mật thông tin.

Khi có khách, nhóm này nhận thông tin qua Zalo, khi làm xong sẽ thuê Triều đi giao hoặc nhờ bên giao hàng công nghệ.

Khám xét nhà trọ của nhóm Thái, cảnh sát phát hiện nhiều máy móc, con dấu, nguyên liệu... và hàng loạt sổ đỏ, bằng đại học, CCCD gắn chip giả chưa kịp giao khách.

Căn cước công dân giả. Ảnh: Nhật Vy

Căn cước công dân giả. Ảnh: Nhật Vy

Ngoài ra, hồi cuối tháng 9, Công an TP Thủ Đức cũng bắt Nguyễn Văn Duy (41 tuổi) và 3 người khác về hành vi tương tự.

Trong đó, Duy đang bị Công an huyện Nhà Bè truy nã về tội Bắt giữ người trái pháp luật. Thời gian bỏ trốn, Duy dùng CMND giả thuê căn hộ làm nơi sản xuất giấy tờ giả, thuê 2 đàn em kiếm khách và đi giao hàng, trả lương 10 triệu đồng mỗi tháng.

Cảnh sát đang mở rộng điều tra vụ án.

Nhật Vy

Sunday, September 25, 2022

Công an cảnh báo thủ đoạn tinh vi của tội phạm liên quan đến CCCD

(PLO)- Tội phạm thu mua CCCD tại các cửa hàng cầm đồ, sau đó tẩy ảnh và một số thông tin trên thẻ CCCD, sử dụng máy tính chế ra số CCCD mới.

Công an TP Hải Phòng mới đây cho biết, trên địa bàn TP và một số địa phương trong cả nước đang xuất hiện tình trạng các đối tượng làm giả và sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức để đăng ký mở nhiều tài khoản ở ngân hàng với tên chủ tài khoản mạo danh.

Tiếp đó, các đối tượng sử dụng những tài khoản này để giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng phục vụ cho các hoạt động phạm tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền hỗ trợ cho các đối tượng, tổ chức hoạt động chống đối chính quyền gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; phục vụ cho các hoạt động phạm tội hình sự như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi qua mạng, đánh bạc qua mạng...

Công an cảnh báo thủ đoạn tinh vi của tội phạm liên quan đến CCCD ảnh 1

Người dân không mở hộ, cho mượn, cho thuê, mua, bán tài khoản ngân hàng hoặc thẻ CCCD. Ảnh minh họa: TP

Đầu tháng 8-2022, Công an TP Hải Phòng phát hiện một đối tượng sử dụng CCCD giả để mở tài khoản tại một phòng giao dịch ngân hàng trên đường Trần Nguyên Hãn, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân.

Tang vật thu giữ gồm hai điện thoại nhãn hiệu Samsung, 14 thẻ CCCD (trong đó có bảy thẻ CCCD hoàn chỉnh đã có ảnh và đầy đủ thông tin, bảy thẻ CCCD bị tẩy ảnh), 71 SIM điện thoại, ba thẻ tài khoản ngân hàng, 47 ảnh chân dung cỡ 2x3 cùng nhiều giấy decan dán trong có ảnh, số CCCD, tên người để làm CCCD giả.

Khai nhận với công an, đối tượng trên cho biết đã thu mua CCCD tại các cửa hàng cầm đồ, sau đó tẩy ảnh và một số thông tin trên CCCD, sử dụng máy tính chế bản ra số CCCD mới và các thông tin khác, in màu trên giấy decan trong rồi dán đè lên CCCD đã được tẩy xóa.

Bằng thủ đoạn này, đối tượng làm ra CCCD giả và sử dụng mở bảy tài khoản tại nhiều ngân hàng trên địa bàn TP Hải Phòng. Mục đích đối tượng mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho các hoạt động đánh bạc trên mạng Internet; giới thiệu, giao dịch mua bán tài khoản và thẻ ngân hàng trên mạng xã hội.

Từ vụ việc trên, công an đề nghị người dân không mở hộ, cho mượn, cho thuê, mua, bán tài khoản ngân hàng và CCCD để các đối tượng lợi dụng sử dụng vào hoạt động vi phạm pháp luật, nếu phát hiện thấy ai có hành vi trên thì thông báo cho cơ quan công an phối hợp giải quyết.
                                                                              Tuyến Phan

Friday, September 23, 2022

Ngân hàng Morgan Stanley bị phạt 35 triệu USD vì bán thanh lý ổ cứng nhưng không xóa dữ liệu

 Án phạt đó đã được ngân hàng đầu tư nổi tiếng nước Mỹ, Morgan Stanley chấp nhận nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ. Sau cuộc điều tra của SEC, Morgan Stanley bị phát hiện bán thanh lý những ổ cứng không mã hóa dữ liệu sau khi ngừng hoạt động những hệ thống data center cũ, nhưng hoàn toàn không có bước xóa sạch dữ liệu lưu trữ trong những ổ cứng ấy.



Không chỉ một vài, mà Morgan Stanley đã bán hàng nghìn ổ cứng lưu trữ dữ liệu của các khách hàng, rút ra từ những data center đã ngừng sử dụng của ngân hàng đầu tư này. Theo kết quả điều tra của SEC, 15 triệu khách hàng có thể đã bị lộ thông tin cá nhân vì sự bất cẩn trong nhiều năm trời của Morgan Stanley. Hệ quả là, án phạt 35 triệu USD do SEC áp cho ngân hàng này vì lý do “thất bại trong việc bảo mật dữ liệu khách hàng trong vòng 5 năm trời, theo quy định liên bang.”

Rắc rối xảy đến từ năm 2016, khi Morgan Stanley thuê một đơn vị chuyển hàng không có kinh nghiệm cũng như khả năng xử lý dữ liệu cá nhân, nhưng vẫn để họ tháo dỡ hàng nghìn ổ cứng và máy chủ lưu trữ dữ liệu hàng triệu khách hàng. Cụ thể hơn, đơn vị nói trên đã tiến hành dỡ bỏ 53 RAID array với khoảng 1 nghìn ổ cứng, đi kèm với đó là 8.000 cuộn băng từ backup dữ liệu ở các trung tâm dữ liệu phục vụ cho quá trình kinh doanh của Morgan Stanley.

Công ty nói trên sau đó lại ký hợp đồng với một đơn vị chuyên trong ngành IT để hủy hoàn toàn dữ liệu nhạy cảm có trong lượng thiết bị lưu trữ khổng lồ nói trên. Nhưng rồi đơn vị chuyển hàng này bắt đầu tự xử lý ổ cứng và băng từ, bán cho một công ty khác để đấu giá đồ cũ. Có lẽ vì muốn kiếm lời nên Morgan Stanley hoàn toàn không được công ty dỡ hàng nọ cung cấp thông tin về đơn vị bán ổ cứng ở những cuộc đấu giá số lượng lớn.

Sự việc vỡ lở vào năm 2017, khi một chuyên viên IT mua ổ cứng trong một cuộc đấu giá, đem về cắm vào máy tính và phát hiện ra vẫn còn nguyên dữ liệu hệ thống của Morgan Stanley.

Phía SEC còn khẳng định, nhiều thiết bị lưu trữ được bán thanh lý hoàn toàn không được bật chế độ mã hóa dữ liệu. Mãi đến năm 2018 ngân hàng đầu tư của Mỹ mới tiến hành mã hóa dữ liệu khách hàng, còn trước đó mọi dữ liệu cứ mở ra là thấy hết, không cần mật khẩu. 



Đọc thông tin sự việc này, khá chắc Morgan Stanley sẽ bước vào một cuộc kiện tụng với đơn vị chuyên trách việc tháo dỡ data center của họ. Tuyên bố chính thức của ngân hàng này cũng khá chung chung: “Chúng tôi vui mừng vì giải quyết được vấn đề. Chúng tôi đã thông báo với những khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi vụ việc đã xảy ra nhiều năm về trước, và chúng tôi không phát hiện ra bất kỳ hành vi đăng nhập trái phép hoặc sử dụng sai mục đích dữ liệu của khách hàng.” Nhiều chuyên gia cho rằng, án phạt là quá nhẹ, và ngay cả khi sự cố đã xảy ra nhiều năm trước, vẫn có những khách hàng đầu tư dài hạn thông qua Morgan Stanley sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ nay về sau.

Theo ArsTechnica