Sunday, June 16, 2019

CON NGƯỜI VÀ 9 CHỈ SỐ CẦN BIẾT (IQ, EQ, CQ, AQ …)


Để thành công trong công việc và và thành đạt trong cuộc sống, có người cho rằng quan trọng nhất là có chỉ số IQ cao, có người lại cho rằng chỉ số EQ quan trọng hơn ..v.v. Vậy, chỉ số IQ, EQ, CQ, … là gì?
1. IQ (Intelligence Quotient) – CHỈ SỐ THÔNG MINH TRÍ TUỆ:
Chỉ số thông minh IQ được tính theo công thức: IQ = (AM/AR) x 100. Trong đó AM là tuổi khôn, AR là tuổi thực. Tuổi khôn được xác định qua các nghiệm pháp (Tests) hình vẽ … để kiểm tra khả năng nhớ, suy đoán, tính toán …
Chỉ số IQ là một tính trạng số lượng, sự hình thành và phát triển tính trạng này là kết quả tác động cộng gộp của nhiều gen tác động theo cùng một hướng cho nên trị số IQ trong quần thể người là một dãy liên tục theo phân bố Gauss.
Theo Binet phân loại IQ trong quần thể người như sau:
IQ Biểu hiện
a. 140 trở lên: Thiên tài
b. 120-140 Rất thông minh
c: 110-120 Thông minh
d: 90-110 Trung bình
e: 80-90 Trí tuệ hơi kém
f: 70-80 Trí tuệ kém
g: 50-70 Dốt nát
h: 25-50 Đần độn
l: 0-25 Ngu
Chúng ta mới thấy có những người thật “điêu ngoa”, chửi người khác là “ngu”, nhưng nghe từ này nhiều rồi nên người nghe ít thấy bị xúc phạm hơn khi họ bị chửi là “đần độn” mặc dù ngu có chỉ số IQ thấp nhất.
2. EQ (Emotional Quotient) – CHỈ SỐ THÔNG MINH CẢM XÚC:
Người ta thường nói “với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất. EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác ít nhiều giống với khái niệm mà Gardner gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người. Hơn thế, nó còn là khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc. Người có EQ cao do vậy dễ thích nghi, luôn tìm được sự hòa hợp trong một tập thể, dễ dàng nhận được sự hợp tác hơn những “thiên tài đơn độc” (mà trong thời đại hiện nay, tính tập thể trong làm việc việc hết sức quan trọng).
EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới. EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.
3. SQ (Social Quotient SQ) – CHỈ SỐ THÔNG MINH XÃ HỘI:
Rộng hơn nữa, khả năng biết dựa vào EQ kết hợp với sự nhạy bén trong nhận thức những cái mới nảy sinh trong xã hội để chủ động điều tiết cách ứng xử của mình trong cộng đồng được các nhà tâm lý học phát triển thành một khái niệm gọi là Thông minh xã hội (Social Intelligence, xác định bằng chỉ số thông minh xã hội Social Quotient SQ).
4. CQ (Creative Intelligence) – CHỈ SỐ THÔNG MINH SÁNG TẠO:
Bất cứ hoạt động trong lĩnh vực nào cũng không chỉ dựa vào những cái có sẵn mà phải phát triển nó lên. Tuy nhiên cách phát triển ấy ở mỗi người một khác, có thể là sự tiệm tiến, nhưng cũng có thể là những bước đột phá, những bước nhảy vọt. Khi đó, sự sáng tạo được thể hiện. Có những người cho rằng chính sự sáng tạo mới phân biệt giữa người này với người khác và chính nó là cốt lõi của trí thông minh. Đó là lý do để người ta đưa ra một khái niệm mới, một tiêu chí đánh giá nữa, được gọi là Trí thông minh sáng tạo (Creative Intelligence và tương ứng CQ). Xét cho cùng, chính trí thông minh sáng tạo mới làm nên lịch sử khoa học kỹ thuật và công nghệ, mới xây dựng được một kho tàng văn hóa nghệ thuật khổng lồ, mới thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại.
5. PC (Passion Quotient) – CHỈ SỐ SAY MÊ:
Là bất cứ việc gì cũng chỉ thành công nếu toàn tâm toàn ý dành cho nó. Để đặc trưng cho phẩm chất này người ta đưa ra khái niệm Chỉ số say mê (Passion Quotient, viết tắt PQ) và cùng với nó là Chỉ số nghề nghiệp (Career Quotient CQ).
6. AQ (Adversity Quotient) – CHỈ SỐ VƯỢT KHÓ:
AQ là viết tắt của Adversity Quotient (chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh, lao đao… gọi tắt là chỉ số vượt khó).
AQ là gì? đó là phương thức phản ứng đối với những tình huống khó khăn của cuộc đời; đó là năng lực về phương diện tâm lý, giúp con người tìm ra lối thoát trong những tình huống khó khăm, bế tắc và vượt qua những chướng ngại trên đường đời. AQ là tổng hoà của ý chí và trí tuệ. Dựa vào AQ có thể dự đoán và nhận biết: Trong quá trình theo đuổi mục tiêu, ai là người tích cực tiến thủ, có khả năng khắc phục khó khăn, kiên trì đến cùng, phát huy được tiềm năng và giành được thành công: Ai là người không chịu nổi thử thách và nửa đường bỏ cuộc; Ai là người bó tay đầu hàng và chẳng làm nổi việc gì.
7. SQ (Speech Quotient) – TRÌNH ĐỘ BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ:
SQ là gì? Đây là chữ viết tắt từ tiếng Anh: Speech Quotient, có nghĩa là trình độ biểu đạt ngôn ngữ. Chỉ số SQ là thước đo tổng hợp để đánh giá khả năng ngôn ngữ, mức độ biểu đạåt chính xác và hữu hiệu của một cá nhân.
8. MQ (Moral Quotient) – CHỈ SỐ ĐẠO ĐỨC:
Nhiều người còn đánh giá phẩm chất cá nhân theo Chỉ số đạo đức (Moral Quotient, MQ). Vấn đề này không cần bàn nhiều vì đã được thừa nhận chung. Bao giờ cụm từ “có đức có tài” cũng đi liền với nhau.
9. StQ (Stupid Quotient) – CHỈ SỐ NGU NGỐC:
Một chỉ số rất quan trọng nữa đó là Chỉ số ngu ngốc (Stupid Quotient, viết tắt là StQ) do một người nghi ngờ nhiều về bản thân mình nghĩ ra. Một điều đặc biệt là chỉ số này tồn tại độc lập và không có tương quan gì với các chỉ số kể trên.
——————————​
AQ (Adversity Quotient) là chỉ số đo khả năng đối xử/quản lý nghịch cảnh, khó khăn, stress, gọi tắt là chỉ số vượt khó. Bên cạnh những đại lượng quá quen thuộc như IQ (chỉ số thông minh) hay EQ (chỉ số cảm xúc), AQ hiện được coi là một trong những chỉ số định lượng các phẩm chất tạo nên thành công của con người.
IQ, EQ ĐÃ LỖI THỜI ???
Bạn tự hào về chỉ số IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) của mình. Nó có thể thể hiện trí thông minh “thô” của bạn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nó chỉ là 1 yếu tố nhỏ tạo nên thành công.
Manh nha hình thành từ năm 1912, khái niệm IQ đã “thống trị” khá lâu trong quan niệm về thước đo phẩm chất dẫn đến thành công của con người.
IQ, theo quan niệm phổ thông, thường được mặc định song hành với khả năng tư duy. Tuy nhiên, sau này, nhà tâm lý học Howard Garner đã mở rộng khái niệm IQ, khi chứng minh sự tồn tại của 8 dạng thức thông minh khác nhau và các yếu tố này đều ảnh hưởng đến thành công của một người.
Năm 1995, Daniel Goleman đã giới thiệu 1 khái niệm mới: Năng lực xúc cảm (EQ – Emotional Quotient) như một yếu tố cơ bản dẫn đến thành công. Sự phát hiện này giải thích tại sao 1 số người không thông minh lý tính (IQ) nhưng có sự nhạy cảm cao lại thành công hơn những người có chỉ số IQ cao.
Ngoài IQ, EQ và AQ, trong cuốn sách “Thế giới phẳng: Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21” của nhà báo Thomas L. Friedman, xuất bản lần đầu năm 2005, còn đề cập 2 khái niệm CQ (Curiosity Quotient – Chỉ số tò mò) và PQ (Passion Quotient – Chỉ số đam mê) và coi tổng hợp 2 chỉ số này có thể còn cần thiết hơn IQ (CQ + PQ > IQ).
Năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới: AQ (Adversity Quotient) trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.
Trong cuốn sách xuất bản sau đó, Adversity Quotient @ Work, bàn kỹ hơn về vấn đề tương tự, ông giải thích cụ thể hơn cách thức áp dụng khái niệm AQ, để có thể mang lại lợi ích.
Tác giả khẳng định, AQ giải thích tại sao một số người không hẳn thông minh, hay được giáo dục tốt, đồng thời thiếu hiểu biết xã hội, mà lại thành công trong khi nhiều người khác thất bại.
Được viết ra trên cơ sở tích luỹ kinh nghiệm thực tế từ nhiều nghiên cứu với hàng ngàn giám đốc điều hành và nhân viên trong hàng trăm lĩnh vực kinh doanh đa dạng, cuốn sách này đã nhanh chóng trở thành handbook (sổ tay) bí quyết thành công ở nhiều tập đoàn, tổ chức.
Nó cũng được sử dụng trong những bài tập dành cho các VĐV thể thao Olympic, những trường học, những tập đoàn, doanh nghiệp dùng để đào tạo nhân viên.
AQ: CHỈ SỐ VƯỢT KHÓ.
Paul Sloltz đã phát triển khá nhiều ý tưởng của mình từ những nhà tâm lý học đi trước, như Abraham Maslow, tác giả của tháp Maslow nổi tiếng; từ Martin Seligman, tác giả của sách “Học lạc quan”, và Stephen R. Covey, tác giả của “7 thói quen của người thành đạt”.
Nhiều nhà tâm lý đã ủng hộ rất nhiệt tình cho thuyết AQ này. Điều này góp phần khẳng định, việc lượng hóa những phẩm chất tâm lý bậc cao là một điều có thề làm được như đã từng làm với trí tuệ (IQ) và cảm xúc (EQ).
Paul Sloltz cho rằng, những người có AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trong khi, những người có AQ cao sẽ ít khi đầu hàng và dễ dàng trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Theo 1 cuộc điều tra xã hội học, với hơn 150.000 lãnh đạo doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực trên thế giới, có nhiều người thuộc tuýp Quitter (5-20%), phần lớn thuộc dạng Camper (65-90%), và chỉ có rất hiếm người thuộc dạng Climber.
Ông phân định ra 3 dạng người dựa trên cách thức họ đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Đó là: Quitter, Camper và Climber.
1. Quitter: Là những người dễ buông xuôi. Họ dễ dàng nản chí, dễ dàng từ bỏ việc theo đuổi 1 công việc, 1 dự định và cao hơn là 1 mục đích sống. Và, kết quả là thường giữa đường đứt gánh, và nhận thất bại, hoặc kết quả không như ý.
2. Camper: Là những người chịu khó, làm việc chăm chỉ, có ý thức phấn đấu rèn luyện bản thân, và sẽ làm nhiều thứ để đạt tới 1 mức độ nhất định nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ dễ hài lòng và thoả hiệp với bản thân để thấy như vậy là đủ.
3. Climber: Là những người có sự kiên định và hoài bão lớn. Họ luôn học hỏi, rèn luyện bản thân, nỗ lực cố gắng để đạt tới những mức độ tốt nhất có thể trong khả năng. Họ cũng thường là tuýp người không chấp nhận 1 tình thế sẵn có, và tìm cách xoay xở để cải thiện nó tốt hơn.
Theo đó, ông coi chỉ số đo khả năng vượt qua những điều kiện khó khăn là yếu tố lớn nhất trong những phẩm chất tạo nên sự thành công cho con người.
Theo Paul Sloltz, chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống:
1. Đối diện khó khăn
2. Xoay chuyển cục diện
3. Vượt lên nghịch cảnh
4. Tìm được lối ra
Theo quan niệm của nhiều người, IQ và EQ là những khái niệm “fix”, có nghĩa là phần nhiều thuộc về “thiên phú”, khó có khả năng thay đổi. Trong khi đó, AQ là đại lượng có thể được rèn luyện để “cải thiện, nâng cấp”.
Còn bạn, đã bao giờ bạn tự định lượng chỉ số AQ của mình?
Chúc bạn hãy biết phát huy các chỉ số của mình!
(Sưu tầm

Friday, June 14, 2019

Mượn chuyện cây cối, cổ nhân truyền dạy đạo lý ngàn đời không đổi: “Hữu dụng” hay “vô dụng”, không thể thoáng qua mà biết; vật vô dụng, đặt đúng chỗ cũng có ích

Mượn chuyện cây cối, cổ nhân truyền dạy đạo lý ngàn đời không đổi: “Hữu dụng” hay “vô dụng”, không thể thoáng qua mà biết; vật vô dụng, đặt đúng chỗ cũng có ích

Hơn 2.000 năm trước, Trang Tử, một trong những triết gia hàng đầu thời cổ đại đã mượn chuyện cây cối để truyền tải những bài học vô cùng sâu sắc về “hữu dụng” và “vô dụng” cho hậu thế.

Cây gỗ vô dụng, đặt đúng chỗ cũng có ích
Có người hỏi Trang Tử rằng: Có một cây lớn nhưng gỗ xấu. Thân nó lồi lõm, cành nó cong queo, không thể xẻ ra làm gỗ được. Tuy mọc ngay ở bên đường mà không người thợ mộc nào thèm ngó tới.
Trang Tử đáp lại rằng: Ông có thấy con mèo rừng không? Nó nép mình để rình mồi, nó nhảy qua đông qua tây, chẳng kể cao thấp. Nhưng có ngày nó cũng sẽ chết vì bẫy, vì lưới. Còn con trâu, thân tuy to lớn, nhưng không bắt nổi một con chuột. Có một cây lớn mà lo rằng nó vô dụng. Sao không trồng nó ở chỗ quang vắng, để những kẻ nhàn rỗi thơ thẩn dạo chơi thảnh thơi ngủ dưới bóng mát của nó? Trên đời này không có gì vô dụng, chỉ có vật hữu dụng ở sai vị trí. Cây gỗ vô dụng, đặt đúng chỗ cũng có ích.
Mượn chuyện cây cối, cổ nhân truyền dạy đạo lý ngàn đời không cũ: “Hữu dụng” hay “vô dụng”, không thể thoáng qua mà biết; vật vô dụng, đặt đúng chỗ cũng có ích - Ảnh 1.
Nhắc lại chuyện xưa, thời Hán có Ban Siêu, lúc trẻ chỉ là một tên tiểu lại chuyên sao chép văn thư ở nha phủ. Ông thường tự than thở rằng, sao chép cả đời, cũng chỉ là hạng vô danh. Thế là ông quyết định từ bỏ, chuyển sang theo việc binh đao.
Ông trước chinh phạt Hung Nô, sau lại phụng mệnh đi sứ Tây Vực. Sau hơn ba mươi năm đã lập được đại công, bình định phía tây, quy phục được hơn năm mươi nước lớn nhỏ. Ban Siêu có chiến công lừng lẫy kia vẫn là Ban Siêu tiểu thư lại năm xưa, nhưng nhờ ở đúng vị trí, đã trở thành anh hùng lưu danh ngàn năm.
Vô dụng mới là đại dụng 
Lại một lần khác, Trang Tử cùng đệ tử, đi đến một ngọn núi, gặp một cây đại thụ, cành lá rậm rạp, đứng vững tại lớn cạnh suối. Cây cao lớn, thân cây có thể làm vài chiếc thuyền. Rất nhiều người qua đường đứng lại trầm trồ, nhưng những kẻ thợ mộc lại làm như không thấy, cứ thế mà đi qua.
Trang Tử liền hỏi một thợ mộc rằng: Xin hỏi ông, cây này trông tốt như vậy, tại sao không ai chặt xuống mà dùng? Người thợ mộc đáp rằng: Cái này có gì kỳ lạ? Chất gỗ của cây này xấu vô cùng, làm thuyền thì thuyền chìm, làm vật dụng thì nhanh hỏng, làm cột nhà thì sâu dễ đến cắn phá, không ai biết dùng cây này để làm gì, cho nên cây này có thể sống lâu được như vậy.
Nghe thấy vậy, Trang Tử nói với đệ tử rằng: Cây này bởi vì vô dụng, nên mới có thể sống lâu như vậy, đây không phải vô dụng mà thật ra là đại dụng sao?
Mượn chuyện cây cối, cổ nhân truyền dạy đạo lý ngàn đời không cũ: “Hữu dụng” hay “vô dụng”, không thể thoáng qua mà biết; vật vô dụng, đặt đúng chỗ cũng có ích - Ảnh 2.
Người xưa thường nói tài mệnh vốn hại nhau, kẻ tầm thường nhiều hậu phúc, ý nói, những người tài năng dễ bị ghen ghét hãm hại, những người có vẻ bình thường và vô dụng không bị để ý nên có thể bền gan vững chí rồi chạm đến thành công.

Như câu chuyện của Chu Mãi Thần thời Hán. Ông vốn gia cảnh nghèo khó, cùng vợ dựng nhà dưới chân núi, ngày ngày chỉ biết kiếm củi để sống qua ngày. Ông rất  ham học, bán củi trên đường cũng không quên nghiền ngẫm học hỏi. Ông bị mọi người coi là vô dụng, đến đám trẻ trong thôn cũng dám chế giễu ông.
Vợ ông không ngừng than vãn, bảo với ông rằng: "Ông chỉ là một thằng kiếm củi, đọc sách làm gì? Bọn trẻ con cũng dám bắt nạt, ông đích thị là kẻ vô dụng" rồi bỏ đi. Sau khi vợ bỏ đi, ông vẫn kiên trì đọc sách, học thức uyên bác, tên tuổi lan xa, được phong làm thái thú.
Kỳ thật, mọi thứ trên đời đều như vậy, hữu dụng hay vô dụng, không thể chỉ thoáng qua mà biết được. Có điều vô dụng, nhưng chẳng qua là bị đặt ở sai chỗ. Có cái mới nhìn tưởng như vô dụng, nhưng thực tế lại hữu dụng vô cùng.
Lê Dương
Theo Trí thức trẻ/Sound of Hope

Friday, April 26, 2019

Cấp lại thẻ BHYT do thay đổi thông tin trên thẻ, thay đổi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu

Tên thủ tục Cấp lại thẻ BHYT do thay đổi thông tin trên thẻ, thay đổi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu
Lĩnh vực
Trình tự thực hiện
1. Bước 1: Người tham gia:
  - Người đang làm việc: nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc nộp thông qua đơn vị đang làm việc.
  - Người tham gia BHXH, BHYT tự nguyện: nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH huyện.
  - Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH; người đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH: nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
2. Bước 2: Đơn vị sử dụng lao động, Đại lý thu, cơ quan quản lý đối tượng: lập hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
3. Bước 3: Cơ quan BHXH:
  - Nhận hồ sơ, kiểm đếm thành phần và số lượng hồ sơ, nếu đúng, đủ thì viết giấy hẹn, thu phí (đối với trường hợp cấp lại, đổi thẻ do mất, rách, hỏng). Trường hợp hồ sơ chưa đúng, đủ thì ghi rõ lý do và trả lại người tham gia, đơn vị, Đại lý thu.
-  Trả hồ sơ; sổ BHXH, thẻ BHYT cho người tham gia, đơn vị, Đại lý thu theo thời hạn ghi trên giấy hẹn.
Cách thức thực hiện Nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính: tại cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử hoặc qua dịch vụ bưu chính
Thành phần số lượng hồ sơ 1. Thành phần hồ sơ:
+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT - mẫu TK1-TS (Trường hợp thay đổi về nhân thân như họ và tên, tuổi, giới tính.....phải có xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng trong Tờ khai).
+ Hồ sơ liên quan đến thay đổi nhân thân (đối với các trường hợp cấp lại thẻ do thay đổi nhân thân như: Giấy khai sinh bản chính; QĐ điều chỉnh hồ sơ hưởng đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; Số BHXH đã được cấp lại hoặc được điều chỉnh lại nhân thân trong sổ BHXH nhưng chưa sửa dữ liệu in thẻ)
+ Hồ sơ chứng minh được hưởng quyền lợi cao hơn theo quy định tại Phụ lục kèm theo (đối với trường hợp đổi quyền lợi hưởng)
+ Bản sao công chứng sổ hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (đối với trường hợp bổ sung mã K1, K2, K3)
+ Thẻ BHYT.
* Riêng trường hợp thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu chỉ tiếp nhận hồ sơ trong 15 ngày đầu  mỗi quý.
2. Số lượng hồ sơ:  01 bộ.
Thời hạn giải quyết 05 ngày làm việc.
Đối tượng thực hiện Cá nhân, đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu
Cơ quan thực hiện
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính Thẻ BHYT
Lệ phí Không
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
Yêu cầu, điều kiện thực hiện Không
Cơ sở pháp lý - Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc Hội
- Nghị định số 115/2015/NĐ - CP ngày 11/11/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết luật BHXH.
- Thông tư sớ 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ lao động thương binh và xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHXH.
- Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 của Tổng Giám đốc BHXH VN quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT.
- Quyết định 2777/QĐ-BHXH ngày 31/12/2015 của BHXH TP Hà Nội về việc thực hiện nghiệp vụ công tác thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, BHYT.
- Quyết định 1259/QĐ-BHXH ngày 26/07/2016 của BHXH TP Hà Nội về việc ban hành quy định thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC về BHXH, BHYT, BHTN thuộc BHXH TP Hà Nội