Saturday, December 17, 2016

Cảnh sát có chấp nhận giấy tờ xe công chứng thay thế bản gốc?

Để phòng mất thời gian làm lại khi mất hoặc bị cướp ví nên tôi thường không mang giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe bản gốc khi ra đường mà chỉ dùng bản công chứng. Nếu bị công an kiểm tra thì giấy tờ bản công chứng có thể thay thế bản gốc không? Có được xuất trình giấy tờ xe bản công chứng với cảnh sát giao thông?
Hà Lan
Luật sư trả lời:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân (Điều 1 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP bổ sung - và khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014).
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định công dân được sử dụng chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin theo quy định.
Về giấy tờ xe, theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau đây (gọi chung là “giấy tờ xe”): đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe (trừ trường hợp không phải có giấy phép lái xe); giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì bản sao được chứng thực từ bản chính “có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Với quy định này, có thể hiểu rằng bản sao được chứng thực chỉ có giá trị thay thế bản chính trong các giao dịch dân sự thông thường. Trong quan hệ pháp luật hành chính Nhà nước như việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe thì bản sao được chứng thực không đương nhiên dùng để thay thế bản chính; chưa kể trường hợp trong xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền còn được phép giữ giấy tờ (giấy tờ xe) của người vi phạm.
Do vậy với quy định của pháp luật hiện hành, thực tiễn áp dụng pháp luật và phân tích nêu trên, người dân khi ra đường cần phải mang bản chính giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe và xuất trình bản chính các loại giấy tờ này khi có yêu cầu kiểm tra theo quy định. Bản sao có chứng thực của các loại giấy tờ này không có giá trị thay thế bản chính trong trường hợp này và nếu người bị kiểm tra không xuất trình được bản chính, có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Luật sư Kiều Anh Vũ

Có quyền từ chối mở cửa khi công an kiểm tra cư trú vào ban đêm?

Ban đêm, nếu công an đến nhà thông báo kiểm tra đột xuất về cư trú, tôi có quyền từ chối mở cửa không? Tôi muốn hợp tác với nhà chức trách nhưng e ngại có trường hợp mạo danh.
Xin hỏi, công an dù có mặc sắc phục, tôi có quyền yêu cầu họ xuất trình thẻ hay giấy tờ gì chứng minh về chức vụ và nội dung kiểm tra hay không? Khi thực thi công vụ, công an sẽ đi một người hay phải có tổ công tác, tổ trưởng dân phố có đi cùng hay không?
Bùi Văn Dũng
Luật sư trả lời:
Theo Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an, cảnh sát khu vực có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân.
Theo khoản 4 Điều 26, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an cấp xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
Như vậy, việc cảnh sát khu vực đi kiểm tra không bắt buộc phải đi cùng với lực lượng khác. Về thời điểm kiểm tra, Thông tư cũng không có quy định nào về giới hạn, do vậy việc kiểm tra có thể được tiến hành cả vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
Trường hợp bị kiểm tra vào ban đêm và việc kiểm tra này tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý cư trú thì công dân phải chấp hành mà không được từ chối. Đây cũng là một trong những nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật về cư trú.
Công dân có quyền yêu cầu cảnh sát khu vực xuất trình thẻ ngành và các giấy tờ khác (nếu có) liên quan đến việc kiểm tra cư trú. Trường hợp sau khi xem các giấy tờ mà vẫn nghi ngờ thì công dân có thể điện thoại đến công an xã, phường để xác minh.
Công an phường, xã luôn luôn có trực ban 24/24h. Nếu có thể, công dân mời hàng xóm hoặc tổ trưởng dân phố đến làm chứng.
Trên thực tế, việc kiểm tra cư trú vào ban đêm chỉ được tiến hành khi có nghi ngờ về việc có người phạm tội lẩn trốn chứ không thể tùy tiện kiểm tra mang tính đại trà, thường xuyên.
Khi cảnh sát khu vực đến kiểm tra phải xuất trình thẻ ngành theo quy định của pháp luật, nếu không công dân có quyền từ chối làm việc.
Để đảm bảo khách quan thì khi kiểm tra cư trú vào ban đêm, cảnh sát khu vực thường phối hợp với một số lực lượng khác như dân phòng, tổ trưởng, trưởng thôn… Tuy nhiên, luật không bắt buộc phải kết hợp với những lực lượng này.
Luật sư Vũ Tiến Vinh

Viên chức sinh con thứ 3 có còn bị phạt?

Tôi là viên chức Nhà nước, tháng 10/2015 vợ tôi vừa sinh con thứ 3, trường hợp của tôi có bị xử phạt gì hay không?
Đỗ Duy Minh
Luật sư trả lời:
Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh số 15/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003 quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, mỗi cặp vợ chồng có quyền sinh một hoặc hai con, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 như sau:
“Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
- Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống.
- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh”.
Căn cứ các quy định trên, nếu vợ chồng bạn không thuộc những trường hợp được phép sinh con thứ ba thì có thể sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006 của Chính phủ: “Đảng viên sinh con thứ ba trở lên bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ…”. Tuy nhiên, từ ngày 31/12/2013 Nghị định này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Theo nghị định mới, việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nguyên tắc “mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một hoặc hai con” không được đề cập tới.
Do pháp luật chưa có quy định cụ thể để xử lý viên chức vi phạm chính sách dân số nên hiện nay một số bộ, ngành đã ban hành thông tư, quyết định; Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, trong đó có hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba trở lên. Ví dụ:
Theo Điều 5 Quyết định số 1531/QĐ-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính quy định về việc ban hành quy chế xử lý kỷ luật công chức, viên chức Bộ Tài chính vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình: “Hình thức kỷ luật “Khiển trách”: áp dụng đối với các công chức, viên chức sinh con thứ 3…”.
Theo Điều 1 Thông tư 54/2011/TT-BCA ngày 22/7/2011 sửa đổi Thông tư số 02/2010/TT-BCA ngày 13/1/2010 của Bộ Công an quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong công an nhân dân sinh con vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một hoặc 2 con. Nếu vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật tại Điều 5 thông tư này, ví dụ như: khiển trách, cách chức, hạ bậc lương…
Như vậy, nếu việc sinh con thứ ba của bạn vi phạm quy định của Pháp lệnh dân số thì hình thức xử phạt cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của bộ, ngành hoặc của Hội đồng nhân dân, của đơn vị nơi bạn đang công tác.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình