Wednesday, July 20, 2016

Thursday, July 7, 2016

Đơn phương chấm dứt hợp đồng có được trợ cấp thôi việc?

Bà Trần Thị Ngọc Anh (Hà Nội) làm việc tại một doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng lao động 1 năm ký 1 lần từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2011 và được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 1/4/2012.


Doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bà Anh từ ngày 1/4/2010. Ngày 31/3/2016, bà đơn phương nghỉ việc theo quy định. Bà Anh hỏi, bà có được doanh nghiệp trả tiền trợ cấp thôi việc không? Nếu được thì tính như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động và Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên.
Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 37 của Bộ luật Lao động thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Như vậy, trường hợp bà Trần Thị Ngọc Anh làm việc tại công ty theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và đơn phương chấm dứt đúng pháp luật (báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày) thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Anh theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động.
Cách tính trợ cấp thôi việc được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo Chinhphu.vn

Cách nhận biết lá khat - loại ma túy cực độc


Lá khat trông giống lá chè, có vị chát và ngọt nhẹ song là loại ma túy độc gấp 500 lần so với loại thông thường.
Chiều 6/7, Cục Hải quan Hà Nội công bố thông tin triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy có nguồn gốc thảo mộc từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường Bưu chính quốc tế để chuyển tiếp qua nước thứ ba.
Loại ma tuý cực độc này tại Việt Nam được biết đến dưới tên gọi "lá khat". Nó chứa chất cathinone với mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường tới 500 lần.
 
Lá khat được vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam phân loại, đóng gói rồi chuyển sang các nước thứ 3 qua đường hàng không.
 
Nhà chức trách công bố khi phá đường dây đã thu tổng cộng 2,5 tấn. Lá khat được đóng gói trong thùng các tông, mỗi thùng 17-20kg.
 
Lá khat có tên khác là “Thiên đường”, thuộc loại cây trồng lâu năm. Lá khat giống với lá chè, khi thu hoạch thường hái búp và lá non.
 
Khi sang Việt Nam lá này được sấy khô như chè, có mùi thơm dễ chịu và có vị chát, ngọt nhẹ.

 
Người sử dụng loại ma túy này sẽ có các biểu hiện như: mắt bị mờ, rối loạn tâm thần, trở nên hung hăng bất thường. Nhịp tim tăng, phá vỡ các hệ cơ và xương của cơ thể… Và ít ai biết, lá khat còn có tác dụng như loại viagra cực mạnh.
 
Theo Trung tâm giám định ma túy, Bộ Công an, người dùng lá khat khó cai nghiện hơn nhiều loại ma túy khác và khả năng dẫn đến tử vong cũng rất cao.
Mỹ, các nước Châu Âu từng ghi nhận một số trường hợp người sử dụng và trở thành những kẻ sát nhân máu lạnh do không kiểm soát được hành vi.
 
Lá khat có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone. Từ chất này tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là Flakka. Đây là ma túy có dạng tinh thể màu trắng hay hồng nhạt, có mùi như mùi vớ của người hôi chân.
Flakka là sự pha trộn giữa cocain và hàng đá, nên mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể con người đáng sợ hơn các loại ma túy thông thường rất nhiều.
Lãnh đạo của Cục C47 (Bộ Công an) cho biết, hiện ở TP HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác chưa ghi nhận về người nghiện lá khat. 
Phương Sơn