Friday, May 19, 2023

Các nguyên tắc cơ bản của chiến thuật Bóng đá sân 7

Về cơ bản, chiến thuật sân 7 đòi hỏi ban huấn luyện, các cầu thủ phải nắm bắt được nguyên tắc về tính cân bằng và phát huy năng lực cá nhân.



Tính cân bằng

Khi đội hình ra sân có sự liên kết giữa các mắt xích là các cá nhân cầu thủ sẽ đảm bảo về tính cân bằng tự nhiên. Bởi không phải cứ sở hữu nhiều cầu thủ tấn công giỏi sẽ có cơ hội chiến thắng cao. Ngược lại, nếu các cầu thủ thiên về phòng ngự lại dễ gây ra bế tắc.

Điều quan trọng đó là phải định hình tốt giữa các vị trí trên sân, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý nhau. Nhờ vậy, chắc chắn đội bóng sẽ đánh bại mọi đối thủ.





Phát huy thế mạnh của các cầu thủ

Thực tế, mỗi đội bóng sẽ được xây dựng từ những cá nhân khác nhau. Vì thế, không thể chọn ra một sơ đồ áp đặt duy nhất. Thay vào đó, cần phải tìm ra chiến thuật để bộc lộ hết tài năng của cầu thủ.

Chẳng hạn như, trong đội bóng có vài cầu thủ nhanh nhẹn, chiếm ưu thế ở cuộc đua tốc độ. Họ nên được giữ vai trò thi đấu tại vị trí chạy cánh. Hoặc nếu đội bóng quy tụ hai tiền đạo tạo thành cặp tấn công ăn ý. Cần sắp xếp đội hình sao cho hỗ trợ cặp đôi tiền đạo đó một cách tốt nhất.

Các chiến thuật sơ đồ trong bóng đá sân 7

Trên sân cỏ, không có bất cứ kế hoạch nào có thể khiến đội bóng “bất khả chiến bại”. Thậm chí, trong nhiều trường hợp mỗi đội cần thử nghiệm nhiều sơ đồ khác nhau trước khi tìm ra lựa chọn tối ưu. Vậy đâu là những chiến thuật sân 7 được áp dụng đem lại hiệu quả ấn tượng? Theo dõi tiếp thông tin được bật mí dưới đây để có được câu trả lời chính xác nhất.






Chiến thuật 3-2-1

Đây là đội hình thiên về xu hướng phòng thủ với 3 cầu thủ chơi ở phía sau để xây dựng nền tảng vững chắc cho tuyến trên. Dù bản chất là phòng ngự nhưng một số huấn luyện viên chuyên nghiệp lại cho rằng chiến thuật linh hoạt hơn. Có thể biến thủ sang công hiệu quả khi đẩy cao hàng hậu vệ hay đưa hậu vệ trung tâm đi lên tuyến giữa.

Ưu điểm sơ đồ 3-2-1:

+ Cung cấp nền tảng phòng thủ cho đội bóng vững chắc giúp xây dựng phương thức tấn công khiến đối phương không kịp chống đỡ.

+ Hóa giải các đòn tấn công từ đối thủ, sẵn sàng tổ chức tấn công ngược tìm cơ hội chiến thắng.

+ Phù hợp sử dụng cho trận đấu mà đội bóng phải đương đầu đối thủ tốc độ nhanh hoặc mạnh hơn.

Nhược điểm đội hình 3-2-1:

Đội hình bóng đá 3-2-1 có thể thiếu đi sự hỗ trợ đối với tiền đạo.

+ Thiếu cự ly ở hàng ngang, hạn chế lựa chọn chuyền bóng lên trên cho tiền đạo trong trường hợp bị đối phương cắt ngang.














Chiến thuật 2-3-1

Đây là đội hình thường gặp nhất trên sân 7 khi có sự pha trộn giữa hỗ trợ khả năng phòng thủ, phát huy tiềm năng tấn công. “Chìa khóa” của đội hình nằm ở vị trí tiền vệ. Người có vai trò giúp hậu vệ phòng thủ, hỗ trợ tiền đạo tấn công, làm cho đội bóng hoạt động hiệu quả.

Ưu điểm 2-3-1:

+ Hình thành hàng rào phòng ngự vững chắc và mang đến cho đội hình sự năng động. Phòng thủ an toàn, tấn công chắc chắn, biến hóa linh hoạt theo tình huống trận đấu. Dễ dàng chuyển từ thủ sang công và ngược lại.

+ Cung cấp cự ly rộng giữa vị trí của tiền vệ trái và phải. Ưu thế đặc biệt tốt đối với tiền vệ có tốc độ, thể lực ổn định. Nâng cao khả năng hỗ trợ phòng thủ và tấn công.

+ Các cầu thủ hoàn toàn không cần di chuyển nhiều vẫn có thể bao quát nhiều khu vực nhờ khoảng không gian để chơi bóng rộng.

Nhược điểm 2-3-1:

+ Đội hình 2 -3-1 khiến hàng tiền vệ phải đảm đương quá nhiều nhiệm vụ.

+ Yêu cầu chuyên môn tiền vệ rất cao, tuân thủ kỷ luật tuyệt đối.

+ Rủi ro phát sinh nếu chỉ có 2 hậu vệ phòng thủ khi hàng tiền vệ không lùi về hỗ trợ hoặc có thể thiếu sự hỗ trợ hàng tiền đạo.

+ Nếu bị đối thủ bắt bài, một tiền đào không tự tạo ra được đột biến để giải tỏa bế tắc.













Chiến thuật 2-1-2-1

Tương tự đội hình 2-3-1, nhưng đội hình 2-1-2-1 lại chủ động chia hàng tiền vệ theo nhiệm vụ về tấn công và phòng thủ. Mặc dù có sự phân định về vai trò riêng, song tất cả mọi cầu thủ đều phải tham gia vào mục đích chung của trận đấu.

Điều này trở nên tuyệt vời nếu như tiền vệ phòng ngự là cầu thủ giỏi kiểm soát bóng sẽ có thể phát động các đợt tấn công hay bọc lót phòng ngự.

Cụ thể, đội hình 2-1-2-1 chia 3 tiền vệ thực hiện nhiệm vụ thành 2 công 1 thủ. Yêu cầu, công việc của cầu thủ tiền vệ theo đó được cụ thể hóa, mang tính chuyên dụng cao.

Ưu điểm chiến thuật 2-1-2-1:

+ Đội hình thi đấu có sự cân bằng giữa hàng thủ tấn công và phòng ngự.

+ Chỉ định rõ một tiền về phòng ngự giúp giảm thiểu rủi ro đối với tiền vệ thực hiện tấn công mà không thể hỗ trợ phòng thủ.

Nhược điểm sơ đồ 2-1-2-1:

+ Đội hình có nguy cơ đối mặt rủi ro khi hoạt động với 2 bộ phận tách biệt nhau gồm 3 cầu thủ tấn công ở phía trên và 3 cầu thủ phòng thủ ở phía dưới. Việc thiếu liên kết sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đấu.

+ Vị trí chủ chốt trong đội hình 2-1-2-1 là tiền vệ phòng ngự, yêu cầu kỷ luật ở việc giữ vị trí và biết phát động để kết nối 2 bộ phận thống nhất lại với nhau.


Chiến thuật 1-1-3-1

Sơ đồ chiến thuật bóng đá 7 người 1-1-3-1 sắp xếp các cầu thủ tạo thành một hình mũi tên có hướng bắn thẳng khung thành đối phương. Mục đích đối phó nguy cơ phản công khi các tiền vệ đã nâng cao tấn công. Ở hệ thống phòng ngự chỉ bao gồm có 1 hậu vệ ở sân nhà, 1 tiền vệ phòng ngự sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Ưu điểm:

+ Phù hợp cho các đội chơi muốn làm chủ trận đấu nhờ khả năng tập trung vào tấn công.

+ Khi các tiền vệ chơi tròn vai, sẽ chiếm hoàn toàn khu trung tuyến, đẩy đối thủ phải co cụm để phòng ngự.

+ Không đòi hỏi tiền vệ phải biết phát động vì  số lượng tấn công  nhiều nên đảm bảo việc duy trì nhịp trận đấu. Tiền vệ phòng ng chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh chặn, chống đòn phản công từ đối phương đạt yêu cầu.

Nhược điểm:

+ Hậu vệ duy nhất của đội bóng đáp ứng tiêu chí cứng cỏi, nhanh nhẹn và phải rất giỏi để giúp hỗ trợ phòng thủ bị hạn chế.

+ Xuất hiện khoảng trống dễ tạo cơ hội cho đối thủ phản công.













Đội hình bóng đá sân 7 đặc biệt:  2-2-2 và 1-4-1

2 đội hình gồm 2-2-2 và 1-4-1 rất hiếm khi được sử dụng trong các trận đấu nhưng không phải là không khả thi. Về lý thuyết, các đội hình này đều có sự cân bằng giữa phòng thủ với tấn công, đem lại sự thành công khi sắp xếp đúng cầu thủ.


Đội hình 2-2-2

Thay vì mang lại cự ly theo hàng ngang tốt, đội hình 2-2-2 lại giúp tạo ra khoảng trống lý tưởng. Hỗ trợ các cầu thủ thực hiện tấn công theo phạm vi chạy hàng ngang rộng hơn.

Hiệu quả đạt được khi tất cả các cầu thủ trong đội bóng đều có tính kỷ luật cao. Có thể chạy được cả hàng ngang và hàng dọc. Đồng thời, phát huy thế mạnh để các đồng đội bọc lót sao cho chuẩn xác.

Đội hình 1-4-1

Nếu như đội bóng sở hữu những cầu thủ giàu năng lực và chuyên môn, tham gia được cả vào phòng thủ lẫn tấn công. Nhất định không thể bỏ qua gợi ý chiến thuật 1-4-1. Từ ý thức kỷ luật tốt, 4 tiền vệ được lựa chọn có thể thay phiên nhau đảm đương các nhiệm vụ. Đội hình hứa hẹn mang lại sự linh hoạt cao nhất mặc dù trông rất khá lộn xộn.

Kết hợp đội hình cho sơ đồ bóng đá 7 người hợp lý

Tương tự các đội hình chơi bóng khác, sân 7 sẽ được quy định về tỷ lệ cùng diện tích mặt sân sao cho phù hợp số lượng cầu thủ. Vì vậy, việc tạo ra đội hình có kỹ năng hợp lý sẽ mang lại kết quả đáng mong đợi. Để thực hiện kỹ thuật đá bóng sân 7, sự sắp xếp, chỉ huy trước trận đấu là điều vô cùng quan trọng.

Muốn phát huy tối đa lợi thế tất cả các cầu thủ trong đội, ngoài việc phát huy chính lối chơi, kỹ thuật cá nhân. Còn đòi hỏi phối hợp ăn ý khi áp dụng sơ đồ bóng đá 7 người phù hợp khả năng từng cầu thủ. Nhờ vậy, giúp đội bóng tạo ra lợi thế trước đối thủ.

Trên sân bóng đá 7 người, các cầu thủ không phải di chuyển hết cả sân suốt thời gian thi đấu. Nhưng họ sẽ bị kéo ra khỏi vị trí nên yêu cầu sự bọc lót tốt mới tạo ra yếu tố bất ngờ. Việc làm đội hình quá cứng nhắc sẽ đưa đội bóng đi vào thế nguy hiểm.

Muốn đảm bảo hiệu quả trận đấu, bạn chỉ nên cố gắng giới hạn 2 đội hình khả quan. Một khi sử dụng để phòng thủ và một dùng cho thế tấn công.

Trên đây là sơ đồ chiến thuật bóng đá 7 người cơ bản nhất, hy vọng đã trang bị cho bạn kiến thức hữu ích. Để đá tốt và thành công thì cần thêm: rèn luyện kỹ thuật cá nhân, tập luyện để có sự ăn ý, tính toán điểm rơi phong độ, thể lực....








Sunday, May 14, 2023

TÂY SƠN

Tây Sơn có chăng chỉ là giặc cỏ?
(Tác giả: Đại Việt tàng thư)

Sử Việt dở nhất là chỉ nói đến chiến tranh, làm cho nhiều người Việt cứ tưởng ông cha ta chỉ biết chém giết. Đọc chính sử và các các thể loại sách sử, thiếu hẳn lịch sử về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Do thiếu các phần này, nhiều khi các lý giải về chiến tranh cũng ngây ngô mà thiếu chiều sâu. Đó là chưa kể, lịch sử được viết nhiều khi cũng thiên lệch đến ngô nghê.

Ví dụ như sử nhà Lê hay nhà Nguyễn mô tả quân Tây Sơn là giặc cỏ (tất nhiên rồi, cả hai nhà đó đều có ân oán với Tây Sơn). Thế là các "học giả" hiện đại trích cú tầm chương rồi phán quân Tây Sơn là giặc, đi đến đâu là cướp giết đến đó và sử dụng nó như là một luận điểm để chỉ trích chính sử Việt Nam hiện nay là tôn vinh Tây Sơn vì mục đích chính trị.

Thử lấy một vài sự kiện để tìm hiểu chuyện này. Trận Rạch Gầm-Xoài Mút, quân Tây Sơn phục kích ở trên sông và trên bộ mấy trăm chiến thuyền kèm theo pháo binh và quân sỹ mấy ngày trời. Việc điều động quân như vậy trên đồng bằng sông nước miền Tây thì khó mà che mắt hết người dân địa phương. Vậy mà không có một người dân địa phương nào báo tin cho liên quân Nguyễn Ánh-Xiêm. Như vậy thì biết lòng dân ở đâu. Đọc sách thì phải có tư duy chứ không phải chỉ đọc lấy con chữ.

Khi lên ngôi, vua Quang Trung cho dịch sách từ chữ Hán ra chữ Nôm, sử dụng chữ Nôm làm quốc ngữ, và xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông đến tận làng xã. Mục tiêu là mang giáo dục đến toàn dân. Đây có lẽ là hệ thống giáo dục phổ thông đầu tiên trên thế giới. Ngay cả cái nôi của cách mạng công nghiệp là Anh thì cũng mãi đến thế kỷ 19 mới có khái niệm này. Nếu Quang Trung không mất sớm, hệ thống giáo dục này không bị nhà Nguyễn bãi bỏ, thì có lẽ Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có toàn dân biết đọc biết viết. Nội chuyện đó không, không biết Việt Nam sẽ tiến về đâu! Giặc cỏ mà tư duy và hành động như thế? Người ta nói gió tầng nào gặp mây tầng đó. Không phải ai cũng hiểu được chính sách giáo dục của Quang Trung.

Một chuyện nữa là Quang Trung có tư tưởng rất tiến bộ về giới, trọng dụng nhiều quan viên là phụ nữ mà nổi tiếng nhất là Bùi Thị Xuân. Trong khi đó phần lớn thế giới lúc đó vẫn xem phụ nữ là tài sản của đàn ông và không có địa vị gì trong xã hội. Có thể nói ông là ông vua hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ về tư tưởng.

Khác với các vương triều Á Đông thời đó vẫn còn bám vào Nho giáo để cai trị và vận hành xã hội, Quang Trung phát triển thương mại mạnh mẽ và xây dựng một nền kinh tế thực dụng gần gũi với thế giới tư bản hơn là phong kiến. Giao thương mạnh mẽ với thế giới cũng giúp cho khoa học kỹ thuật thời Tây Sơn phát triển. Dẫn tới việc trang bị vũ khí quân Tây Sơn hiện đại hơn của Xiêm (thời đó cũng rất mạnh, Xiêm duy trì được thế mạnh này khá lâu nên không bị thuộc địa hóa như các nước châu Á khác) và quân Thanh. Do đó, dù ít quân hơn nhiều, quân của Quang Trung vẫn thắng Xiêm và Tàu áp đảo. Ngoài mạnh hơn về hỏa lực, quân Tây Sơn hành quân cũng rất nhanh với đầy đủ hỏa lực đạn dược và lương thực, chứng tỏ trình độ logistics cũng vượt trội. Nhiều người nói Quang Trung là thiên tài quân sự, nhưng mà thiên tài chỗ nào thì không lý giải được vì không nắm được chính sách kinh tế, xã hội, khoa học của ông.

Nội 3 chuyện này: xây dựng giáo dục phổ thông, bình đẳng giới, phát triển thương mại và khoa học kỹ thuật; vua Quang Trung có tư duy và trình độ vượt ra ngoài tư tưởng Nho giáo và rất hiện đại so với thế giới thời bấy giờ. Vậy mà hôm qua có đọc một bài của một anh quản lý nhóm "khai phóng" gì đó lại lấy hệ quy chiếu Nho giáo ra đánh giá là vua Quang Trung có chính danh hay không 😀

Sau khi vua Quang Trung mất, vua Gia Long thống nhất đất nước. Tuy vua Gia Long cũng là một người có tư tưởng khá tiến bộ về kinh tế như mở rộng giao thương, nhưng ông lại không có tầm nhìn về giáo dục phổ thông nên bãi bỏ luôn hệ thống giáo dục phổ thông còn trong trứng nước của nước nhà. Đến các thế hệ sau của nhà Nguyễn thì càng ngày càng đi lùi về tư duy, bám vào Nho giáo để củng cố quyền lực, triệt tiêu giai cấp tư bản còn non trẻ. Chỉ sau 3 đời, VN yếu đến độ thua vài chiến thuyền của Pháp.

Nếu chính sách kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, xã hội của Quang Trung được tiếp nối, VN có lẽ đã khác!

Minh họa: lính súng thời Tây Sơn
Fb Ho Dac Nga

Friday, April 28, 2023

Cổ tức, chia cổ tức


1. Cổ tức là gì?

Theo khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.

2. Một số quy định về trả cổ tức

Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trả cổ tức như sau:

2.1. Điều kiện trả cổ tức

- Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.

- Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

2.2. Hình thức trả cổ tức

Hình thức trả cổ tức được quy định tại khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp cụ thể như sau:

Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty.

+ Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật Doanh nghiệp 2020. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.

2.3. Thời hạn trả cổ tức

Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

2.4. Thông báo trả cổ tức

Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:

- Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;

- Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

- Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;

- Thời điểm và phương thức trả cổ tức;

- Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.

3. Trả cổ tức trái quy định thì cổ đông phải làm thế nào?

Theo Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, trả cổ tức trái với quy định trên, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.

Diễm My