Friday, November 4, 2022

Thanh tra toàn diện các nhà mạng về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân



NHÓM PVLDO  04/11/2022 14:09

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 4.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

14h45: Kết thúc phiên chất vấn Bộ TTTT, 33 đại biểu đặt câu hỏi, 10 đại biểu tranh luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cho biết, lĩnh vực thông tin và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn tới đời sống người dân và toàn xã hội. Tại phiên chất vấn, có 33 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận. Còn 54 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, đề nghị gửi câu hỏi bằng văn bản theo quy định.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn chiều 4.11. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nắm rõ các vấn đề, thể hiện kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất một giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

14h30: Chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính mà là thay đổi tư duy, phương pháp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số nội dung. Ông trân trọng cảm ơn các đại biểu đã luôn đồng hành và quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực thông tin truyền thông, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số. Qua nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn dài hạn đối với chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội trường chiều 4.11.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội trường chiều 4.11.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, việc xây dựng văn bản pháp luật chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của khoa học thông tin, chưa phù hợp với đặc tính của công nghệ hiện đại. Trong các trường hợp cụ thể, câu hỏi đặt ra là có dám triển khai kể cả khi trái với quy định hiện hành chưa phù hợp hay không?

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Về dịch vụ công, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, một trong những điểm sáng gần đây là vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Chúng ta đã đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia trên 6.000 thủ tục hành chính, xác định được những thủ tục nào nhiều người sử dụng, thủ tục nào ít người sử dụng, qua đó giảm bớt được rất nhiều thời gian, công sức và các công đoạn không cần thiết…

Chia sẻ về động lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội, quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, động lực quan trọng chủ yếu là sự quan tâm của Chính phủ, của người dân, động lực cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tham nhũng vặt, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Đây là động lực chủ yếu của các nước trên thế giới. Đặc biệt, nước ta nhấn mạnh động lực cải cách để đảm bảo Chính phủ minh bạch, qua các dữ liệu thu thập được để có mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Đề án cơ sở dữ liệu của ngành công an là trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định, là cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý với lực lượng chính quy hóa đến cấp xã. Đây cũng là cơ sở dữ liệu đã được đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực. Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị.

Đề án này khi thực hiện cũng đã bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc chúng ta cần giải quyết, trước hết là đả thông tư tưởng của tất cả các Bộ, ngành, các cấp. Kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đã thực hiện đúng hướng, và đạt được các mục tiêu cơ bản. Nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cần ra "đầu bài" thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.

Về không gian mạng, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động đưa thông tin chính thống một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần khuyến khích cơ quan tổ chức bảo vệ quyền lợi của người dân đối với thông tin xấu độc; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi văn hóa của người dân.

14h28: Nghiên cứu tài khoản số để người dân có cơ hội học tập, hòa nhập

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, có ý kiến cho rằng, mỗi người dân Việt Nam cần có một tài khoản số để học tập suốt đời trên nền tảng học liệu mở và miễn phí. Và chính sách khuyến khích học tập liên tục, học tập nâng cao nhằm nâng cao kiến thức về mọi mặt cho người dân, nhất là thanh thiếu niên có cơ hội học tập, hội nhập mạnh mẽ với thế giới cũng như rút ngắn khoảng cách cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có cơ hội hòa nhập, hội nhập với các địa phương phát triển trong nước một cách tích cực. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ý tưởng này rất hay. Ông giả sử, nếu Nhà nước chi tiền cho mỗi người dân một triệu đồng, thì với số tiền này có thể xây dựng được một nền tảng siêu tuyệt vời để phục vụ người dân học tập cả đời. "Sau khi tôi nghe ý tưởng này, trưa nay rà soát trên mạng thì một số nước đã thực hiện. Đây là ý tưởng rất đáng suy ngẫm", ông Hùng nói và cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, sớm đề xuất Chính phủ xây dựng nền tảng trực tuyến phục vụ học tập cả đời tại Việt Nam.

14h25: Làm rõ về việc cung cấp dịch vụ định danh xác thực điện tử

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư câu hỏi liên quan đến cái quy định trong Nghị định của Chính phủ mới ban hành. Theo đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an cùng các Bộ đang rất nỗ lực trình Chính phủ ban hành Nghị định 59 ngày 5.9.2022 về định danh và xác thực điện tử.

Trong Nghị định này cũng nhiều quyết định tốt nhưng có quy định tại Khoản 1, Điều 27 quy định chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành Công an thì mới được thực hiện dịch vụ cung cấp dịch vụ định danh xác thực điện tử. Đây là một ngành nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên không phù hợp, hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Đầu tư cũng như theo quy định của Hiến pháp. Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng xử lý đối với quy định này?

Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi Chính phủ bàn vấn đề này đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, nhiều chiều. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư pháp đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công an. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, đơn vị này sẽ cấp xác thực.

Theo bộ trưởng, nếu để doanh nghiệp hoặc một đơn vị sự nghiệp làm thì phải có điều kiện. Ở đây quy định thuộc về Bộ Công an. Xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của tổng thị trường xác thực điện tử. Do vậy vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

14h15: Khi nào hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai?

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) chất vấn: Trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về đất đai là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Quốc hội đang cho ý kiến sửa đổi Luật Đất đai với hàng loạt chính sách quan trọng. Việc triển khai cơ sở dữ liệu về đất đai là rất cấp thiết, nhưng công tác này còn rất chậm. Đại biểu đặt câu hỏi, đâu là trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này, khi nào thì cơ sở dữ liệu về đất đai được hoàn thiện, có khả năng kết nối, chia sẻ đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương?

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, 5 cơ sở đã hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành, còn cơ sở dữ liệu quốc gia đất đai chưa hoàn thành. Đây là cơ sở dữ liệu khó khăn nhất, đặc biệt vấn đề thu thập dữ liệu đất đai tới từng hộ gia đình, tới từng m2 đất và số hoá. Cũng có những khó khăn trong quan điểm việc phân tán hay tập trung dữ liệu này, tập trung mức nào, phân tán mức nào đến mức địa phương hay trung ương.

Hiện nay, 30% số huyện đã hoàn thành bản đồ địa chính số. Cuối năm 2022 trên 20% số huyện ở Việt Nam hoàn thành 4 hạng mục cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia và đưa vào sử dụng được.

Trách nhiệm của Bộ TTTT theo quy định của pháp luật là đánh giá kỹ thuật, công nghệ và đánh giá an toàn thông tin của hệ thống. Bộ cũng đã đánh giá và khuyến nghị Bộ TNMT dùng nền tảng số Việt Nam, dùng công nghệ Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Dữ liệu đất đai quan trọng.

  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Hùng cho biết, 2 Bộ trưởng TNMT và TTTT thường xuyên phối hợp. Bộ TTTT thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hỗ trợ 45 tỉ xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Sau khi các doanh nghiệp vào cuộc, tốc độ xây dựng dữ liệu đất đai đẩy nhanh mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, việc chậm trễ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có trách nhiệm của Bộ TTTT trong việc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ông cho hay, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo và Bộ TTTT xin hứa thúc đẩy thật nhanh cơ sở dữ liệu này.

14h10: Cuộc gọi lừa đảo biết chính xác thông tin cá nhân, giải pháp nào để khắc phục?

Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nêu thực trạng gần đây nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng… và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chịu khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố.

Vấn đề ở đây, đại biểu băn khoăn tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của người dân. Đại biểu Sinh cho rằng, bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt để cho những kẻ xấu khai thác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình và giải pháp khắc phục vấn đề này?

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Trả lời câu hỏi nhiều cuộc gọi đến biết rõ thông tin người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc này xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là nguyên nhân kỹ thuật. Một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn nên bị hacker tấn công và lấy cắp được dữ liệu.

Hiện nay theo báo cáo của Bộ Công an, trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam có đến 1.300Gb, tính ra bằng hàng tỉ thông tin. Ở đây người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân, chưa coi là tài sản cần bảo vệ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém, để cho nhân viên lấy thông tin của khách hàng bán ra bên ngoài.

  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước Quốc hội chiều 4.11.

Bộ đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có nội dung quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ thông tin của mình. Bộ đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Hiện nay, có 120 triệu thực thể thể thông tin người dân có thể tra cứu, để biết xem mình có bị lộ lọt thông tin không.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, một trong những giải pháp rất tốt là yêu cầu các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

14h00: Bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4.11 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đại biểu đã nêu cuối giờ sáng ngày 4.11.

Trong phiên làm việc buổi sáng đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời và làm rõ nhiều vấn đề.

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn của một số đại biểu.

I'm sorry, I'm late


 








Mất tiền tỉ vì bị chiếm đoạt sim: Hiếu PC chỉ cách bảo vệ sim điện thoại

Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC khuyến cáo người dùng khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa hoặc nghi ngờ bị chiếm đoạt quyền kiểm soát thì liên hệ ngay nhà mạng, yêu cầu khóa thẻ sim.


Liên quan việc một số người mất 2,1 tỉ đồng và 5,3 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng sau khi bị kẻ gian chiếm đoạt sim điện thoại , chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng guốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng những hành vi này thực tế không mới nhưng nếu người dùng không chú ý thì sẽ thiệt hại khó lường.

Qua tìm hiểu từ các vụ việc, chuyên gia Hiếu PC cho biết đối tượng xấu thu thập thông tin cá nhân của người dùng trên không gian mạng. Tiếp đó, lợi dụng chính sách dịch vụ của các nhà mạng - cho phép thuê bao di động được chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác, kẻ xấu gọi điện cho nạn nhân, giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng, đề nghị họ nâng cấp sim điện thoại từ 3G lên 4G, 5G... rồi yêu cầu nhắn tin theo cú pháp chúng đưa ra.




Thực chất, đây là cú pháp để người dùng dịch vụ các nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.



Sau khi gửi thành công tin nhắn theo yêu cầu của kẻ xấu, nạn nhân sẽ mất quyền kiểm soát sim. Khi đó, sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim chính chủ, mọi cuộc gọi đến thuê bao của nạn nhân lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại của chúng.



Từ đó, đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng "Quên mật khẩu". Bởi khi đó, nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến sim điện thoại mà đối tượng xấu đang giữ.


Nhờ vậy, đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Chúng cũng có thể sử dụng thông tin của nạn nhân để vay tiền thông qua các ứng dụng cho vay trên mạng.

Chuyên gia Hiếu PC khuyến cáo người dùng ngay khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, hoặc nghi ngờ bị chiếm đoạt quyền kiểm soát, thì liên hệ ngay nhà mạng, yêu cầu khóa thẻ sim để phòng tránh rủi ro kẻ gian sử dụng quyền kiểm soát sim, nhận mã OTP rồi chiếm đoạt tiền thông qua giao dịch trực tuyến, thanh toán thẻ tín dụng...

10 cách phòng ngừa "hack" sim

1. Không đăng tải các thông tin nhạy cảm, giấy tờ cá nhân, tài sản lên mạng xã hội.

2. Nếu cần chia sẻ thông tin danh tính cá nhân với ai đó qua các app như Zalo, Viber, Telegram, Messenger..., sau chia sẻ xong nên thu hồi lại tin nhắn, để bảo đảm an toàn.

3. CMND, căn cước công dân đổi sang căn cước công dân gắn chip để được cơ quan chức năng quản lý, bảo mật tốt hơn.

4.Tránh mua những sim số ảo, đã qua sử dụng vì có thể đã đăng ký những dịch vụ cho vay online hoặc những mục đích không rõ ràng.

5. Tạo một email hoặc trang bị số điện thoại riêng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị rò rỉ dữ liệu, người dùng cũng sẽ không quá lo lắng.







6. Không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, email cho những dịch vụ không thiết yếu, các nhà phát hành dịch vụ không cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.


7. Không cho người khác mượn điện thoại, CMND, CCCD nếu không có mục đích chính đáng và thuyết phục.


8. Không làm theo bất kỳ cú pháp trên điện thoại hay tin nhắn mà kẻ lừa đảo nói bạn làm theo.


9. Không nhấn vào các đường link trang web lạ từ tin nhắn SMS, email hay mạng xã hội.


10. Báo cáo cơ quan chức năng đối với các đường link lạ có dấu hiệu nghi ngờ. Khi nhận được tin nhắn hay cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh thông qua nhắn tin hoặc gọi điện tới 156 hoặc 5656...