Monday, April 19, 2021

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh gút

Trong cuộc sống hiện đại hiên nay, bệnh Gút (Goute) là bệnh rất thường gặp. Bệnh gây viêm các khớp nhỡ nhỏ, hay gặp nhất là khớp bàn ngón chân trái, nếu không theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân của bệnh gút là gì? Tại sao nam giới hay bị bệnh gút hơn nữ giới? Nên ăn gì và nên kiêng ăn gì thì tốt cho bệnh gút? Đây là các thông tin rất cần thiết giúp chúng ta phòng tránh được căn bệnh này!

1. Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là do lắng đọng các tinh thể muối urat hoặc tinh thể acid uric gây viêm các khớp, thường gặp ở nam giới, tuổi từ 40 trở lên. Bệnh thường có những đợt cấp kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính. Các nguyên nhân gây tăng acid uric máu và bệnh gút bao gồm: Các nguyên nhân làm giảm bài tiết acid uric (bệnh thận, một số thuốc…), các nguyên nhân làm tăng sản xuất acid uric

(chủ yếu thông qua khẩu phần ăn) và các yếu tố khác liên quan như gia đình, di truyền, tuổi, giới…

2. Tại sao nam giới bị bệnh gút nhiều hơn?

Các nghiên cứu đều cho thấy nhân purin trong thực phẩm ăn vào là nguyên nhân hàng đầu gây tăng acid uric. Các purin thực phẩm khác nhau gây tăng acid uric khác nhau. Bên cạnh các thức ăn có nhân purin, uống rượu bia cũng có vai trò quan trong làm tăng acid uric máu và cơn gout cấp. Uống rượu bia gây tăng lactat máu làm giảm bài xuất acid uric qua thận dẫn đến tăng acid uric máu và cơn gút cấp. Nguy cơ mắc gút tăng lên theo mức độ uống rượu bia, trong đó uống bia có nguy cơ cao hơn rượu. Nam giới uống nhiều rượu bia nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.

3. Chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh gút

3.1. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều nhân purin

Người bệnh tăng acid uric máu hoặc bị bệnh gút cần lựa chọn thực phẩm ở nhóm I hoặc nhóm II, không nên sử dụng thực phẩm ở nhóm III theo bảng dưới đây.

Bảng 1. Hàm lượng purin trong 100g thực phẩm

3. 2. Hạn chế các nước uống có khả năng gây tăng acid uric máu và các cơn gút cấp như rượu, bia, chè, cafe. Nên uống các nước có tính kiềm như nước khoáng bicarnonat.

3.3. Thực đơn lâu dài cho người bệnh gút

  • Như chế độ ăn thông thường nhưng hạn chế đạm.
  • Cơ bản là lựa chọn thực phẩm ít nhân purin (thực phẩm nhóm I, II- bảng trên). Nếu ăn thịt nên luộc rồi bỏ nước, không nên ăn các loại nước dùng thịt, cá, xương hầm.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê, nước chè.
  • Ăn nhiều rau xanh, các loại quả không chua.
  • Uống đủ nước hàng ngày, đặc biệt là nước khoáng kiềm.

 

TS.BS. Đoàn Huy Cường- Khoa Dinh dưỡng

10 điều cần biết về chế độ ăn cho bệnh nhân bệnh thận mạn tính - lọc máu chu kỳ

Chế độ dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bất kỳ loại bệnh nào. Đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ cũng nên có chế độ ăn thích hợp.

Thực phẩm thường được phân thành các nhóm tùy vào thành phần chất dinh dưỡng có nhiều nhất trong thực phẩm đó. Chúng ta thường biết đến với bốn nhóm thực phẩm chính đó là: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm cung cấp Vitamin và khoáng chất. Trong đó có 3 nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng (được tính bằng Kilocalo, viết tắt Kcal) cho mọi hoạt động sống của con người gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo. Bên cạnh đó có các chất không sinh năng lượng như: khoáng chất, vitamin, nước và chất xơ.

Để xây dựng chế độ ăn hợp lý cần tuân theo những nguyên tắc sau: (1) Ăn giảm đạm; (2) Đủ năng lượng; (3) Lipid: chiếm 15-20% năng lượng; (4) Giảm muối, giảm phốt pho, tăng canxi; (5) Lượng nước đưa vào phù hợp; (6) Cung cấp đủ các vitamin: nhóm B, E.

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy - Khoa Lọc máu Bệnh viện TWQĐ 108 đã đưa ra một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn – lọc máu chu kỳ như sau:

  1. Ăn giảm đạm: Đạm có vai trò trong xây dựng và tái tạo cơ thể; là thành phần chính của các men, kháng thể, nội tiết tố, dịch nội môi, vitamin…; sinh năng lượng. Tuy nhiên bệnh nhân suy thận nên thận không đào thải được các sản phẩm do chuyển hóa đạm sinh ra như ure, acid uric, do đó cần ăn giảm đạm.
  1. Giảm đạm phụ thuộc vào số lần lọc máu/tuần. Bệnh nhân chạy thận 1 lần/tuần, số lượng đạm là 1g/kg cân nặng khô/ngày. Bệnh nhân chạy thận 2 lần/tuần, số lượng đạm là 1,2 g/kg cân nặng khô/ngày. Bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần, số lượng đạm là 1,4g/kg cân nặng khô/ngày.
  2. Ưu tiên các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa,…). Hạn chế các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc). Tỉ lệ đạm động vật ≥ 60%. Nên ăn các loại ngũ cốc có hàm lượng đạm thấp như: khoai củ (khoai sọ, khoai lang, sắn,…), các sản phẩm chế biến từ khoai củ (miến dong, bột sắn). Nên ăn gạo, mỳ dưới 200g/ngày. Nên ăn các loại rau củ có hàm lượng đạm thấp như bầu, bí, mướp, dưa chuột, cải trắng, cải cúc, cải bắp, su su. Hạn chế ăn các loại rau củ có hàm lượng đạm cao: rau muống, rau ngót, rau giền, giá đỗ, rau đay, mồng tơi, cải xanh.
  1. Đủ năng lượng: Vì ăn giảm đạm do đó cần tăng cường nhóm tinh bột, đường  và chất béo để tránh suy dinh dưỡng. Tổng mức năng lượng phụ thuộc vào chiều cao theo công thức: 30-35 (kcal) x chiều cao (m) x chiều cao (m) x 21 (kcal).
  2.  Chất béo: Tỷ lệ 15-25% tổng năng lượng trong đo 1/3 là chất béo no (mỡ động vật), 1/3 là acid béo không no một nối đôi (dầu thực vật), 1/3 là acid béo no nhiều nối đôi (cá hồi).
  3. Giảm muối, giảm phốt pho, tăng can xi
  1. Ăn nhạt, ăn tối đa 3g muối/ngày, tương đương 15ml nước mắm.
  2. Tránh ăn/ uống các thực phẩm chứa muối (dưa muối, cà muối, thịt cá muối,…; các thực phẩm chế biến sẵn như: giò, chả, thịt hun khói, thịt hộp, xúc xích…)
  3. Không dùng các gia vị chứa muối (nước mắm, gia vị, mì chính, muối) trong chế biến thức ăn.
  4. Hạn chế các thực phẩm giàu phốt pho: lục phủ ngũ tạng động vật, sô cô la, ca cao,…
  5. Rất hạn chế các thức ăn chứa nhiều Kali: cam, chuối, quả bơ, hạt họ đậu, dâu, nho khô, sô cô la…
  6.  Nên ăn các thực phẩm giàu can xi: sữa, cá con, cua
  1. Lượng nước đưa vào vừa phải
  1. Hạn chế nước uống (tùy tình trạng nước tiểu): Lượng nước uống trong ngày = lượng nước tiểu 24h + 300 -500 ml (mất qua mồ hôi, hơi thở) + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy). Lượng nước uống bao gồm tính cả lượng dịch truyền, nước uống thuốc, uống canh, uống sữa
  2.  Bổ sung vitamin: vitamin có nhiều trong rau, củ, quả.

 

Hình ảnh minh họa

 

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy – Khoa Lọc máu (A14)
Mai Hằng – Truyền thông Bệnh viện TWQĐ 108


Thursday, April 15, 2021

Thâm cung bí sử phí 'lót tay' cầu thủ Việt

 

(LÂU LẮM RỒI, CƠ MÀ GIỜ VẪN THẾ, TIỀN NÀY LÀ ĐỠ KHOẢN NỘP THUẾ KHA KHÁ)

.....................................

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần vừa rồi, làng bóng đá nội khá ầm ĩ với vụ tranh chấp hợp đồng giữa Chí Công, Đình Đức với câu lạc bộ chủ quản Becamex Bình Dương (Công ty cổ phần thể thao - bóng đá Bình Dương). Nó có thể sẽ là một vụ án dân sự, khi đôi ba bên đã thống nhất lôi nhau ra tòa, chuyện đúng là xưa nay hiếm. “Vô phước đáo tụng đình”, nhưng cũng từ đây, chuyện thâm cung bí sử trong thế giới bóng đá nội sẽ được hé lộ.
“Phí chuyển nhượng” hay “tiền lót tay”?
Lâu nay, làng bóng đá xứ sở vẫn âm ỉ câu chuyện về khoản “lót tay” mà các cầu thủ hay huấn luyện viên được hưởng, sau khi đặt bút ký hợp đồng với một đội bóng nào đó. Nó được quy định trong bản phụ lục hợp đồng lao động, gọi nôm na là “thỏa thuận cam kết” (dành cho cầu thủ chuyên nghiệp). Thường bản thỏa thuận cam kết được soạn làm ba bản, trong đó câu lạc bộ giữ hai, cầu thủ giữ một. Vì lý do tế nhị, sự thống nhất bằng giấy tờ (hoặc miệng) này, đôi bên không được phép tiết lộ ra ngoài, ngay cả khi tranh chấp nổ ra.


Chí Công (phải) và Đình Đức đang lăm le đưa Becamex Bình Dương ra tòa
Vậy lý do tế nhị ở đây là gì? Đấy không đơn thuần chỉ là những cam kết về số tiền thực mà người lao động (bên B) được hưởng từ bên sử dụng lao động (bên A), với thời hạn giao tiền và các quy định khác. Người ta không thể công bố bản thỏa thuận cam kết, bởi nó có thể khiến tất cả phải tá hỏa. Ví như việc nếu Chí Công nhận đủ 9 tỉ đồng (chưa tính lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội khác) cho ba năm làm việc tại Becamex Bình Dương, thì những công nhân làm việc cho Becamex IDC (công ty mẹ) sẽ nghĩ gì về phân biệt đối xử với người lao động? Rất dễ kích động và gây sự phẫn nộ trong dư luận.
Trước đây, khi Vicem Hải Phòng hé lộ những bản hợp đồng tiền tỉ của các cầu thủ, công nhân các nhà máy thuộc công ty này đã mang nha một cuộc đình công vì chậm lương, thưởng.
Trở lại với câu chuyện chuyển nhượng của bóng đá thời kim tiền, bản thân nó đã là một loại quái thai của xã hội: Không có ngành nghề nào lại kiếm tiền dễ và nhiều như bóng đá, trong khoảng mười năm qua. Người ta đã so sánh anh bác sĩ phải học đến 18 năm (12 năm bậc phổ thông và ít nhất sáu năm đại học), cũng không thể kiếm được đồng lương vài chục triệu đồng/tháng, như với cầu thủ loại B. Điều đáng nói ở đây là, “phí chuyển nhượng” hay vẫn gọi nôm na là “tiền lót tay” cho một bản hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp, tại sao lại cao thế, khi bản thân cầu thủ vẫn nhận lương và thưởng như bao người lao động khác?!
Có lẽ trên thế giới, không có bản hợp đồng cầu thủ nào mà tiền “bonus” lại cao hơn quỹ lương, cũng như phí chuyển nhượng (dành cho cầu thủ còn hợp đồng). Sau khi luật Bosman ra đời, với quy định cầu thủ sau khi hết hợp đồng được tự do chuyển nhượng, thì số tiền ký hợp đồng cũng được quy định vào việc trả lương. Chuyện thưởng (bonus) chỉ có thể chi cho trung gian hoặc khi cầu thủ giúp đội bóng đạt được thành tích. Khái niệm gọi là “tiền lót tay” chỉ tồn tại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, mà không biết tự bao giờ, nó trở thành mặc định, điều cốt lõi và đáng quan tâm nhất của một bản hợp đồng, chứ không phải chuyện đá bóng hay lương thưởng.
Tại sao tranh chấp?
Ở đâu có quyền lợi, ở đó có đấu tranh. Chuyện tranh chấp chỉ nổ ra, khi một (hoặc cả hai) bên cảm thấy không thỏa đáng với quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Về mặt quy trình, nếu không thể tự thương lượng, người ta có thể nghĩ ngay đến chuyện “đáo tụng đình”. Nhưng tại sao và như thế nào, phần lớn các cầu thủ khi xảy ra tranh chấp với câu lạc bộ chủ quản, lại không nghĩ ngay đến quan tòa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), tổ chức xã hội nghề nghiệp và là cơ quan quản lý nền bóng đá, mà nhất nhất phải mời luật sư bằng được cho một vụ án dân sự?
VFF vẫn có cả một ban gọi là Ban pháp chế, nơi giải quyết những tranh chấp hay mâu thuẫn quyền lợi trong bóng đá. Tuy nhiên, ban này thường không có đủ các chức năng điều tra, mà thường chỉ nghe báo cáo và xử theo kiểu án tại hồ sơ. Áp vào luật lao động hiện hành, nếu bên sử dụng lao động muốn thanh lý sớm hợp đồng, họ chỉ cần báo trước 45 ngày và trả cho người lao động hai tháng lương. Quy định này là quá rõ ràng.
Tuy nhiên, như đã nhắc ở trên, bên cạnh hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp (theo mẫu của VFF), các câu lạc bộ và người lao động luôn ký kèm theo bản phụ lục thỏa thuận cam kết. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không yêu cầu các câu lạc bộ hay bản thân cầu thủ phải nộp loại giấy tờ này (chỉ nộp một bản hợp đồng lao động). Do đó, VFF không thể nắm được bản chất vấn đề, nhất là khi giá trị tranh chấp về lợi ích kinh tế quá lớn.
Trở lại với câu chuyện của Đình Đức và Chí Công, với số tiền tranh chấp lên tới hơn hai tỉ đồng tổng cộng. Theo người đại diện Công ty cổ phần thể thao - bóng đá Bình Dương, đơn vị ký hợp đồng với Chí Công và Đình Đức, họ không có nghĩa vụ hoàn trả số tiền này (theo hợp đồng và phần phụ lục thỏa thuận cam kết đã ký ngày 1/10/2011 với Chí Công và ngày 1/11/2011 với Đình Đức). Trái lại, cầu thủ phải hoàn trả lại “số tiền mà câu lạc bộ đã ứng”, với Chí Công là 500 triệu đồng và Đình Đức là 450 triệu đồng. Đây chính là mẫu chốt của vấn đề.
Nếu cứ chiếu theo giấy trắng mực đen, cùng con dấu và các chữ ký, dễ cảm nhận câu lạc bộ Becamex Bình Dương sẽ đuối lý. Bởi trong phụ lục thỏa thuận cam kết ghi rõ, thời hạn cuối cùng phải trả nốt số tiền ký hợp đồng cho cầu thủ là tháng 2/2012, chứ không phải chuyện phân chia trả theo từng gói, với Chí Công là 3 tỉ đồng/năm và Đình Đức là 1,3 tỉ đồng/năm. Câu chuyện thế nào, hạ hồi (tòa) phân giải sẽ rõ.
“Việc câu lạc bộ Becamex Bình Dương đưa ra lý do là họ không có kế hoạch sử dụng Chí Công và Đình Đức ở mùa giải 2014, năm cuối của bản hợp đồng có giá trị ba năm, nên không phải trả tiền?! Nhưng tại sao dân gian lại có câu: “Bút sa gà chết”. Ai là “gà” trong tình huống này, chắc chẳn cần đến tòa án mới trả lời được, mà chỉ nhìn qua bản hợp đồng (và phụ lục cam kết) là biết ngay”, luật sư Hoàng Huy Công, Văn phòng luật sư LDC, đơn vị nhận bảo vệ quyền lợi cho Chí Công và Đình Đức chia sẻ.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa cuối tuần