Friday, November 3, 2017

10 điều không nên nóii chốn công sở


10 điều người thông minh không hé nửa lời chốn công sở

Chưa cần biết bạn tài năng đến đâu, có một số cụm từ một khi nói ra sẽ khiến cho người nghe có ấn tượng tiêu cực về bạn. Và ấn tượng xấu này thường khiến con đường sự nghiệp của bạn trở nên gập ghềnh hơn nhiều.

Ai cũng biết về những điều không nên phát ngôn ở nơi làm việc như lời bình luận lỡ miệng, những trò đùa thô thiển hay nhạy cảm liên quan đến giới tính, sắc tộc. Nhưng đây chưa phải là những điều duy nhất mà bạn cần phải cẩn thận khi nói chuyện.
Thực chất chính những bình luận tưởng chừng như vô thưởng vô phạt mới làm cho chúng ta trở nên kém cỏi và thiếu tự tin trong mắt người khác hơn.
1. “Thật không công bằng”
Mọi người đều biết rằng, cuộc đời chẳng bao giờ là công bằng. Nói lại sự thật này chỉ khiến bạn trở nên thật ngây thơ và non dại khi cứ tin rằng, cuộc đời cần công bằng hơn. Tốt hơn hết là bạn nên thực tế và giữ tinh thần xây dựng và bỏ lại thái độ của mình.
Ví dụ, bạn có thể nói rằng ‘Tôi vẫn hy vọng được nhận dự án lớn mà A vừa được giao. Anh có thể cho tôi biết quyết định này dựa trên những yếu tố nào không? Tôi rất muốn biết tại sao mình không phù hợp và cải thiện những điểm yếu của mình.’
Mọi người đều biết rằng cuộc đời chẳng bao giờ là công bằng. Tốt hơn hết là bạn nên thực tế và giữ tinh thần xây dựng và bỏ lại thái độ của mình
2. ‘Đây là cách mà trước giờ chúng ta vẫn làm.’
Trong thời đại công nghệ thay đổi xoành xoạch này, ngay cả một quy trình vừa được cập nhật cách đây 6 tháng cũng có thể trở nên lạc hậu.
Phát ngôn này không chỉ làm bạn trông có vẻ lười nhác và ngại thay đổi mà còn làm cho sếp bạn tự hỏi rằng, tại sao bạn không tự cố gắng để cải thiện mọi việc. Nếu bạn thực sự đang làm việc theo cách cũ từ muôn đời, khả năng cao là luôn có một cách tốt hơn.
3. ‘Tôi nghĩ.../ Có thể đây chưa phải là ý hay.../ Tôi muốn hỏi một câu hơi ngu ngốc một chút...”
Đây là tập hợp những câu nói phá hủy độ tín nhiệm của bạn ngay lập tức. Ngay cả khi đằng sau những câu nói này là một ý tưởng hay, chúng gợi ra một sự thiếu tự tin ở bạn và làm cho người nghe cũng mất đi niềm tin ở bạn.
Đừng trở thành kẻ luôn tìm kiếm lỗi sai ở bản thân mình. Nếu ngay cả bạn còn không tin vào điều mình đang nói thì khó mà có thể thuyết phục người khác. Và nếu như bạn thực sự không biết, hãy trả lời rằng ‘Tôi chưa có câu trả lời bây giờ nhưng tôi sẽ tìm hiểu và trao đổi với bạn.’
4. ‘Việc này chỉ mất một phút thôi’.
Phát ngôn này khiến bạn trở thành một người xuề xòa và không cẩn thận trong công việc. Trừ khi công việc thực sự chỉ tốn của bạn 60 giây, hãy dùng cụm từ ‘không mất nhiều thời gian lắm’ thay thế. Đừng đưa ra mức thời gian ngắn hơn thời gian thực sự cần để hoàn thành công việc.
5. ‘Tôi sẽ thử’
Câu nói này làm cho bạn có vẻ thiếu tự tin vào kĩ năng và năng lực của mình trong công việc. Hãy hiểu rõ và chịu trách nhiệm cho những khả năng của mình.
Điều đó có nghĩa rằng, nếu bạn được yêu cầu làm điều gì, hãy dốc sức làm hoặc đưa ra một phương án khác. Đừng nói rằng, bạn ‘sẽ thử’ vì nó thường khiến người khác cảm giác rằng, bạn sẽ chẳng cố gắng hết sức vì nó.
6. ‘Anh ta thực sự tệ hại / kém cỏi’
Thực sự, bình luận xấu về đồng nghiệp chưa bao giờ mang lại lợi ích hay ho gì cho bạn. Nếu điều bạn nói là đúng, mọi người đã biết từ lâu trước khi bạn phải chỉ ra. Và nếu điều này trái với sự thật thì bạn mới là người tệ hại + kém cỏi.
Sẽ luôn có những người thô lỗ hoặc kém cỏi ở bất cứ công ty nào, và thông thường là mọi người đều biết rõ họ là ai.
Nếu bạn không có đủ quyền hạn để cải thiện hay sa thải họ thì việc bình luận xấu cũng chẳng giúp gì thêm được. Trái lại, nó còn làm bạn trở thành một người thiếu tự tin và thiếu cảm giác an toàn trong mắt những đồng nghiệp khác.
7. ‘Tôi không được thuê để làm việc này’
Câu nói này thường để lại ấn tượng rằng, bạn chỉ muốn làm những gì được giao ở mức tối thiểu chỉ để được trả lương hằng tháng. Nếu sếp yêu cầu bạn làm việc gì đó không thích hợp với vị trí của bạn, hành động thông minh nhất là hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng.
Sau đó hãy nói chuyện với sếp để thảo luận về vị trí hiện tại của bạn và liệu yêu cầu công việc có nên được cập nhật. Việc này đảm bảo bạn không trở thành một người quá tính toán chi li. Điều này cũng giúp bạn và sếp hiểu được điều gì bạn nên và không nên làm.
8. ‘Không phải lỗi của tôi.’
Đổ lỗi cho người khác chưa bao giờ là một ý hay. Hãy có trách nhiệm. Nếu bạn có vai trò trong bất cứ chuyện không hay nào, hãy thừa nhận và chịu trách nhiệm cho dù vai trò của bạn có nhỏ như thế nào đi chăng nữa.
Nếu không có vai trò gì, hãy đưa ra một phân tích khách quan chuyện đã xảy ra. Hãy thực tế và khách quan, để cho sếp và đồng nghiệp của bạn đi đến kết luận về người chịu trách nhiệm.
Một khi bạn đổ trách nhiệm lên bất cứ ai, mọi người sẽ nhìn nhận bạn là một người không thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Họ sẽ né tránh làm việc với bạn, số khác sẽ phản công trước tiên và đổ lỗi lên đầu bạn khi có chuyện xảy ra.
Hãy có trách nhiệm. Nếu bạn có vai trò trong bất cứ chuyện không hay nào, hãy thừa nhận và chịu trách nhiệm cho dù vai trò của bạn có nhỏ như thế nào đi chăng nữa.
9.’Tôi không thể’
Câu nói này thường mang nghĩa là bạn không muốn bỏ công sức ra để hoàn thành công việc. Nếu không thể đáp ứng được công việc do thiếu sót về kĩ năng, hãy đưa ra một giải pháp thay thế khác.
Thay vì nói rằng bạn không thể làm gì, hãy nói về những điều bạn có thẻ. Ví dụ, thay vì nói ‘Tôi không thể OT tối nay’, hãy nói ‘Tôi có thể đến sáng vào sáng mai.
Như vậy sẽ ổn chứ?’ và thay vì ‘Tôi không thể xử lý những số liệu này’, hãy nói ‘Tôi chưa biết cách xử lý số liệu này. Liệu có ai có thể hướng dẫn để tôi có thể tự làm vào những lần sau?’
10. ‘Tôi ghét công việc này.’
Điều cuối cùng mà bất cứ ai muốn nghe là bạn ghét công việc của bạn như thế nào. Việc than phiền này sẽ khiến bạn trở thành một người tiêu cực và phá hủy tinh thần của nhóm.
Sếp luôn nhạy bén với những người hạ tinh thần làm việc và bạn biết đấy, luôn có những ứng cử viên háo hức muốn ngồi vào vị trí này.
Kết lại
Lời nói gió bay, một khi đã nói ra sẽ không rút lại được.. Và kể cả khi những lời bạn nói là đúng thì việc nói ra những điều này cũng chưa chắc đã đem lại lợi ích gì cho bạn mà thậm chí còn có thể gây ấn tượng xấu với đồng nghiệp và sếp.
Hãy tập thói quen cẩn thận để không phát ngôn những điều không nên nói ra.
Theo Grey Spiderum
Trí thức trẻ

Chuyên gia của Apple: 'Làm việc với Steve Jobs, tôi đã nhận được bài học bất ngờ về trí thông minh thực sự'

"Khi bạn phát hiện ra sau lầm của mình, đừng cố lừa dối bản thân và kéo dài sai lầm. Hãy chấp nhận nó và thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm và sửa chữa lại mọi thứ. Điều đó sẽ đem lại lợi ích lớn cho chính bạn và tổ chức", Guy Kawasaki.






HOÀNG THÀNH THĂNG LONG- HÀ NỘI


Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.
Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).
Vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.
Với những thông tin dữ liệu được cập nhật một cách hệ thống, đầy đủ, kịp thời, Ban biên tập website www.hoangthanhthanglong.vn mong muốn giúp cho độc giả, khách du lịch trong nước và nước ngoài và những ai quan tâm đến Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long hiểu thêm về những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản quý giá này.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội