Tại thị trường một số nước châu Á, Toyota sử dụng cách gắn chữ cái phía sau mỗi phiên bản ví dụ Camry 2.5G, 2.5Q để phân biệt phẩm cấp của mỗi sản phẩm. Theo đó cách hiểu các phiên bản từ thấp lên cao như sau:
J: Junior - đàn em, khởi đầu. Phiên bản với những trang bị đơn giản nhất.
E: Exemplar - hình mẫu, mẫu tiêu chuẩn. Phiên bản giá cả và trang bị hợp lý cho số đông. E đôi khi còn được hiểu là Economic, phiên bản tiết kiệm, kinh tế.
G: Grandeur - cao quý, uy quyền. Phiên bản cao hơn so với số đông, cân bằng giá và trang bị.
V: Vip hay Vanguard - tiên phong. Trang bị các tính năng cao, tiện nghi nhiều hơn G. Ở Việt Nam Innova và Fortuner có bản V.
Q: Quintessence - tinh hoa, tinh túy. Phiên bản cao nhất, dẫn đầu với những trang bị cao nhất, đầy đủ nhất và giá cũng đắt nhất.
Chevrolet Khi mới khai sinh ra một số sản phẩm trong lịch sử, hãng chưa nghĩ tới việc sẽ áp dụng một loạt ký hiệu tương tự cho các xe sau. Vì vậy, dần dà những chữ viết tắt được dịch thành nhiều nghĩa khác nhau, nhưng đều chung cách phân cấp.
Ví dụ LS là Luxury Sport, LT là Luxury Touring, LTZ là LT với gói trang bị Z, tức gói trang bị cao nhất. Chữ Z là chữ cuối cùng trong bảng chữ cái, ý nói phiên bản này là những gì tốt nhất.
Thứ tự từ thấp đến cao về trang bị và mức giá như sau: LS - LT - LTZ.
Tương tự như các hãng khác, những cách quy định tên của Nissan dần được dùng cho nhiều sản phẩm mà mỗi sản phẩm có cách dịch khác nhau.
Về cơ bản, có thể hiểu S là Sport, L là Luxury, V là Value, X là extra. Cứ lấy 2 chữ ghép nhau ra một phiên bản. Thông thường một mẫu xe sẽ có cách ký hiệu phiên bản giống nhau. Ví dụ Sunny có XL, XV. Navara có SL, VL. X-Trail có SL, SV.
Thứ tự mức độ trang bị và giá như sau XL - XV, SL-VL, SL - SV. Ví dụ X-Trail SL rẻ hơn SV.
Ở Việt Nam Kia có cách gọi tên sản phẩm theo trang bị. Trong đó:
G: Gas - xăng.
D: diesel - dầu.
AT: Automatic Transmission - số tự động.
MT: Manual Transmission - số sàn.
H: biểu thị cho phiên bản cao cấp, có thể là High.
Theo đó ví dụ xe Rondo bản GATH tức là bản máy xăng, số tự động và trang bị cao nhất. DMT là bản động cơ diesel số sàn.
Với Ford ở Việt Nam, các phiên bản thường thấy nhất ở mỗi dòng xe là Trend và Titanium. Trend (xu hướng) là phiên bản dành cho số đông với trang bị tiêu chuẩn. Titanium (titan) là phiên bản cao cấp với trang bị đầy đủ nhất.
Ngoài ra, chiếc bán tải Ranger còn đánh tên theo những ký hiệu như XL, XLS, XLT, Wilktrak. Có nhiều cách giải thích về các ký hiệu này. Ban đầu XL thường được các hãng sử dụng với ý nghĩa là eXtra Luxury, là phiên bản cao nhất. Nhưng càng về sau ôtô càng có nhiều phiên bản, vì vậy ký hiệu cũng mở rộng hơn. XLS có thể là XL + Sport hoặc Standard, XLT là XL + Touring.
Tại Việt Nam, xếp các phiên bản của Ford Ranger nếu theo thứ tự trang bị động cơ, tiện nghi, công nghệ từ thấp lên cao thì XL - XLS - XLT - Wildtrak.
Nhiều xe ôtô thường gắn thêm những dòng chữ ký hiệu ở bên hông phía cửa trước hoặc ở đuôi xe, nhưng không xuất hiện trong tên xe như 4Matic, VVT-i, Quattro hay SkyActiv, thì đó là tên gọi một công nghệ nào đó trên xe.
Ví dụ 4Matic và Quattro lần lượt là hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian của Mercedes và Audi, VVT-i thường thấy trên các xe của Toyota là công nghệ điều khiển van biến thiên còn SkyActiv là tên gọi thế hệ động cơ hiện tại của Mazda.