Saturday, December 17, 2016

Trộm vào nhà có được đánh đuổi?

Tôi muốn hỏi pháp luật cho phép hành xử như thế nào khi phát hiện bị kẻ gian đột nhập vào nhà?
Thu Hà
Luật sư trả lời:
Khoản 2 điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Khoản 1 Điều 20 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Như vậy, có thể thấy nơi ở hợp pháp và tính mạng, sức khoẻ của con người là các quan hệ pháp luật rất được đề cao bảo vệ. Do đó, mọi hành vi xâm phạm đến các quan hệ này đều bị nghiêm cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép.
Quay trở lại với câu hỏi “Khi trộm vào nhà có nên đánh hay không”, như đã nói ở trên, tự ý vào nhà người khác đã là phạm pháp, vào để trộm cắp tài sản thì càng không thể chấp nhận. Nhưng như vậy không có nghĩa là bắt được trộm thì chủ nhà được quyền đánh đập. Dù có là kẻ trộm vẫn được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ. Do vậy, đặt vấn đề “khi trộm vào nhà có nên đánh hay không” thì lời khuyên là không nên.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dù không muốn người phát hiện kẻ trộm vẫn buộc phải dùng vũ lực để khống chế. Đó là những trường hợp kẻ trộm kháng cự hoặc hành hung để tẩu thoát hoặc có những hành vi nguy hiểm đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
Khi gặp phải những trường hợp này, pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm (kể cả việc đánh kẻ trộm). Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết với hành vi xâm hại và không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Điều lưu lý, khi áp dụng biện pháp phòng vệ, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng (không phải chịu trách nhiệm hình sự) và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (phải chịu trách nhiệm hình sự) rất mong manh. Do đó, khi quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ cần phải cân nhắc kỹ tình huống cũng như điều kiện, hoàn cảnh thực tế để có biện pháp phù hợp, tránh rơi vào tình trạng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Nếu hành vi phòng vệ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Anh Dũng

Người ngoại tình hẹn hò trong nhà nghỉ, bị phạt thế nào?

Hai năm gần đây anh rể tôi ngoại tình với đồng nghiệp, thường vào nhà nghỉ quan hệ bất chính. Xin hỏi việc họ vào đây có bị phạt theo Luật Hôn nhân và gia đình không?
Đỗ Quỳnh Dung
Luật sư trả lời:
Theo quy định của pháp luật, người có hành vi ngoại tình tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cụ thể như sau:
- Về xử phạt hành chính: Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định: Người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
- Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Bên cạnh đó, khái niệm “chung sống như vợ chồng” đề cập trong các điều luật vừa trích dẫn được giải thích cụ thể tại mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”.
Như vậy, theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với người có hành vi ngoại tình cần phải có chứng cứ chứng minh họ chung sống như vợ chồng theo hướng dẫn tại mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001.
Theo đó, việc vào nhà nghỉ để thực hiện hành vi ngoại tình mà không có chứng cứ chứng minh họ “chung sống như vợ chồng” thì chưa đủ căn cứ để xử phạt.
Luật sư Đỗ Đức Biên

Cảnh sát có chấp nhận giấy tờ xe công chứng thay thế bản gốc?

Để phòng mất thời gian làm lại khi mất hoặc bị cướp ví nên tôi thường không mang giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe bản gốc khi ra đường mà chỉ dùng bản công chứng. Nếu bị công an kiểm tra thì giấy tờ bản công chứng có thể thay thế bản gốc không? Có được xuất trình giấy tờ xe bản công chứng với cảnh sát giao thông?
Hà Lan
Luật sư trả lời:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân (Điều 1 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP bổ sung - và khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014).
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định công dân được sử dụng chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin theo quy định.
Về giấy tờ xe, theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau đây (gọi chung là “giấy tờ xe”): đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe (trừ trường hợp không phải có giấy phép lái xe); giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì bản sao được chứng thực từ bản chính “có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Với quy định này, có thể hiểu rằng bản sao được chứng thực chỉ có giá trị thay thế bản chính trong các giao dịch dân sự thông thường. Trong quan hệ pháp luật hành chính Nhà nước như việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe thì bản sao được chứng thực không đương nhiên dùng để thay thế bản chính; chưa kể trường hợp trong xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền còn được phép giữ giấy tờ (giấy tờ xe) của người vi phạm.
Do vậy với quy định của pháp luật hiện hành, thực tiễn áp dụng pháp luật và phân tích nêu trên, người dân khi ra đường cần phải mang bản chính giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe và xuất trình bản chính các loại giấy tờ này khi có yêu cầu kiểm tra theo quy định. Bản sao có chứng thực của các loại giấy tờ này không có giá trị thay thế bản chính trong trường hợp này và nếu người bị kiểm tra không xuất trình được bản chính, có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Luật sư Kiều Anh Vũ