Saturday, December 17, 2016

Chứng minh không mua dâm trong nhà nghỉ như thế nào?

Tôi và người yêu đi du lịch xuyên Việt, khi qua đêm ở một vài nhà nghỉ thì có công an tới kiểm tra và nghi ngờ chúng tôi có hành vi mua dâm. Điều này làm chúng tôi bức xúc và mất thời gian giải thích. Xin hỏi, chúng tôi phải làm gì để chứng minh?
Đức Thành
Luật sư trả lời:
Điều 3, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 giải thích về hành vi mua bán dâm như sau:
1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
3. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm…
Theo quy định này thì yếu tố "dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác" trả cho người bán dâm để được giao cấu là cơ sở để xác định việc mua, bán dâm.
Theo điểm e Khoản 2 Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA ngày 05/10/2010 quy định về việc cho thuê lưu trú:
e) Cho thuê lưu trú:
- Có nội quy của cơ sở kinh doanh lưu trú niêm yết tại nơi dễ thấy.
- Phải ghi đầy đủ các thông tin của khách lưu trú vào sổ trước khi khách vào phòng nghỉ và thông báo lưu trú với cơ quan công an xã, phường, thị trấn sở tại trước 23 giờ trong ngày. Nếu khách đến lưu trú sau 23h thì vào sổ và thông báo cho cơ quan công an vào trước 8h sáng ngày hôm sau (kể cả khách nghỉ theo giờ). Trường hợp có nghi vấn liên quan đến an ninh, trật tự phải báo cáo ngay cho công an xã, phường, thị trấn.
- Cơ sở kinh doanh nếu thông báo lưu trú cho cơ quan công an qua mạng Internet thì phải lưu trữ đầy đủ thông tin về khách đã lưu trú tại cơ sở để phục vụ công tác quản lý.
- Trường hợp khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, chất nổ phải yêu cầu khách xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan công an có thẩm quyền cấp và cơ sở kinh doanh phải có trách nhiệm bảo quản chặt chẽ.
- Người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân; hộ chiếu; các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp; giấy xác nhận cử đi công tác của cơ quan, tổ chức; xác nhận của cơ quan đến liên hệ công tác; xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Trường hợp khách đến lưu trú không có các loại giấy tờ trên thì khi cho khách vào lưu trú, chủ cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan công an phường, xã, thị trấn…
Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, khi đến nghỉ tại các nhà nghỉ hoặc khách sạn, bạn có trách nhiệm xuất trình một trong các giấy tờ như chứng minh nhân dân; hộ chiếu; các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp và cơ sở cho thuê lưu trú phải ghi đầy đủ các thông tin của khách lưu trú vào sổ trước khi khách vào phòng nghỉ và thông báo lưu trú với cơ quan công an xã, phường, thị trấn sở tại trước 23h trong ngày.
Do đó, trong trường hợp cảnh sát vào kiểm tra phòng, bạn có thể chứng minh việc mình không mua bán dân bằng cách trình bày việc mình đã xuất trình các giấy tờ tùy thân cho quản lý khách sạn/nhà nghỉ và đưa ra các chứng cứ về việc hai bạn là người yêu như: cho biết họ tên của nhau, nghề nghiệp, quê quán, nơi ở… hoặc những thông tin cá nhân có liên quan khác.
Khi kiểm tra nhà nghỉ, khách sạn, để xác định hai người khác giới ở trong cùng phòng có phải để mua bán dâm hay không, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Tuy nhiên, thông thường việc xác định sẽ dựa trên các yếu tố như thông tin cá nhân người bị kiểm tra, hiện trường, mục đích của việc ở chung phòng của hai người này, đặc biệt là thông tin về nhân thân do hai người cung cấp về nhau có trùng khớp nhau không?... Nếu thông tin do hai người cung cấp không trùng khớp chứng tỏ họ không biết về nhau mà chỉ mới gặp nhau để quan hệ tình dục (mua, bán dâm)...
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình

Không mang chứng minh thư khi ra đường, bị phạt bao nhiêu tiền?

Không mang theo chứng minh thư nhân dân, nếu bị công an kiểm tra tôi có bị phạt tiền không? Giấy tờ nào có thể thay thế?
Tuyết Mai
Luật sư trả lời:
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định công dân được sử dụng chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Trường hợp không mang theo và không xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Mức xử lý có thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Hiện luật không quy định giấy tờ tùy thân nào có thể thay thế chứng minh thư. Trong một số trường hợp, nhà chức trách có thể kiểm tra nhân thân của bạn căn cứ các giấy tờ khác như hộ chiếu, thẻ sinh viên...
Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, nếu công dân có hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân; thuê, mượn... sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ mức cảnh cáo đến 6 triệu đồng.
Một số quy định về chứng minh nhân dân
Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân theo quy định. Chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Người có thẩm quyền được quyền yêu cầu công dân xuất trình chứng minh nhân dân trước khi giải quyết công việc. Mỗi công dân chỉ được cấp một chứng minh nhân dân và có số riêng. Trước đây, chứng minh nhân dân chỉ có 9 số, từ ngày 1/7/2012 thành 12 số.
Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực, công dân sẽ được cấp Thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân hiện hành. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ.
Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân; số thẻ là số định danh cá nhân. Luật không bắt buộc phải đổi ngay chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân.
Chứng minh thư nhân dân đã được cấp trước ngày 1/1/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.
Luật sư Kiều Anh Vũ

Wednesday, December 7, 2016

KHÁNG KHÁNG SINH NGUY HIỂM HƠN CẢ UNG THƯ

Kháng kháng sinh đang trở thành hiểm hoạ toàn cầu và theo ước tính của tổ chức y tế thế giới WHO thì kháng kháng sinh sẽ trở nên kinh khủng hơn cả bệnh ung thư.

Cô gái ở HN tử vong sau 1 tuần chỉ ho, sốt: BS cảnh báo hiểm họa kinh khủng hơn cả ung thư


Lời cảnh báo không thừa

Trường hợp của Natalie Silva 23 tuổi, Texas Mỹ đã chết vì loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh sau khi sinh con trai đầu lòng tại Texas Mỹ. Loại vi khuẩn chị mắc phải là MRSA viết tắt của vi khuẩn Methicillin-resistant Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng kháng Methicillin).

Loại vi khuẩn này gây ra nhiễm trùng "staph" không đáp ứng điều trị với kháng sinh thông thường.

Khi nhiễm MRSA sẽ dẫn đến những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và đe dọa sự sống như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết mổ và viêm phổi không loại thuốc kháng sinh nào có thể điều trị được.

Còn bé Josiah Cooper-Pope qua đời khi mới 17 ngày tuổi, bị nhiễm trùng trong bệnh viện và không giữ được mạng sống vì những siêu vi khuẩn và không có loại thuốc kháng sinh nào chữa được loài siêu vi khuẩn này.

Đây chỉ là 2 trong hàng triệu người chết mỗi năm do tình trạng kháng kháng sinh gây ra.

Ông Keiji Fukuda, cố vấn đặc biệt của WHO về siêu vi khuẩn kháng thuốc cho rằng "Chúng ta đang mất đi khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng. Nó không chỉ dẫn đến tỉ lệ tử vong cao mà ngay cả việc điều trị cho bệnh nhân cũng bị đe dọa, thậm chí là việc cung cấp đủ thực phẩm cũng không được đảm bảo".

Điều này ám chỉ các siêu vi khuẩn có thể ảnh hưởng tới cả cây trồng, vật nuôi.

Một nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy sự phát triển của vi khuẩn siêu kháng thể góp phần vào cái chết của 10 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2050 và một lượng lớn bệnh nhân tử vong do mắc các bệnh ung thư khác nhau.

Hiện nay, số ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới được cho là do không có sức đề kháng chống vi khuẩn là 700.000, trong đó có 23.000 tại Hoa Kỳ.

WHO cho rằng việc ngăn chặn kháng kháng sinh cần sự vào cuộc của cộng đồng, không chia sẻ kháng sinh với người khác.

Kháng kháng sinh là mỗi đe doạ với sức khoẻ và thực phẩm. Các loại kháng sinh hiện nay không còn điều trị được vì kháng thuốc. Tới năm 2050 mỗi năm có hơn 10 triệu người chết vì các bệnh lây nhiễm do vi trùng và chúng ta không có thuốc để điều trị nó.
Cái chết đau lòng tại Việt Nam chỉ sau 1 tuần ho, sốt

Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam cũng lên mức báo động đỏ khiến số người bệnh vào viện và kháng thuốc không còn cơ hội sống cũng tăng lên hàng ngày trong khi đó cuộc chạy đua giữa con người và vi khuẩn thì vi khuẩn bao giờ cũng thắng.

Trường hợp của Nguyễn Hải H. 21 tuổi, một bà mẹ đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi trú tại Trương Định, Hà Nội ra đi để lại niềm thương nhớ cho cả gia đình. H. bị sụt sịt, ho và có dấu hiệu sốt. Đến ngày thứ 3 sốt truyền dịch không khỏi, H đi vào Bệnh viện Thanh Nhàn khám.

Trong lúc chờ vào khám thì đột nhiên em ngất và các bác sĩ đưa vào cấp cứu sau đó chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Sau 1 tuần điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai H. đã trút hơi thở cuối cùng.
Bác sĩ chẩn đoán H. bị nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng vì loại siêu vi khuẩn. Suốt một tuần điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai chi phí điều trị cho H. lên tới 300 triệu đồng bởi vì các chi phí lọc máu hiện đại tốn kém nhưng cuối cùng H. vẫn không qua khỏi vì vi khuẩn cô mắc phải đã kháng thuốc.

Câu chuyện của H. gây tiếc thương cho bạn bè và đồng nghiệp của cô.
Tại Việt Nam, TS. Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ở nước ta ghi nhận không chỉ một mà vài loại "siêu vi khuẩn" kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Chưa kể nguy cơ lây lan "siêu vi khuẩn" đa kháng thuốc trên toàn cầu do sự giao lưu thế giới ngày càng rộng rãi. Vì thế, vấn đề kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu mà không một nước nào ở ngoài cuộc.

Trong khi đó, lịch sử sáng chế kháng sinh và quá trình phát triển của nó cho thấy tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc.

Theo đó, những năm 1940 kháng sinh đầu tiên được phát minh là penicillin nhưng chỉ 10 năm sau đã xuất hiện vi khuẩn kháng loại thuốc này.

Theo TS Nguyễn Vũ Trung, tình trạng kháng kháng sinh thực sự đáng báo động tới từng người dân.
Thảo Nguyên- Trí Thức Trẻ