Luật Sư Trần Hồng Phong giới thiệu
Cạnh tranh là quyền hợp pháp của doanh nghiệp, có ý nghĩa tích cực, thúc đẩy nâng cao năng lực của doanh nghiệp, có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cạnh tranh phải bảo đảm công bằng, đúng pháp luật. Luật cạnh tranh (ban hành năm 2004) quy định về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, các biện pháp nhằm kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, chèn ép DN nhỏ của những DN lớn, độc quyền, có vị thế đặc biệt.
Cạnh tranh là quyền của DN, nhưng phải trung thực, công bằng (ảnh minh họa)
I. Những vấn đề chung, cơ bản:
Luật cạnh tranh do Quốc Hội khóa 11 ban hành năm 2004. Quá trình thực hiện tới nay có nhiều bất cập. Nhìn chung các DN rất khó khăn trong việc khiếu kiện bảo vệ quyền lợi khi bị cạnh tranh không lành mạnh. Thủ tục trình tự giải quyết các vụ việc cạnh tranh phức tạp, kéo dài và nặng tính hành chính.
Luật cạnh tranh áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; Hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.
Cạnh tranh trong kinh doanh là QUYỀN của doanh nghiệp. Theo đó:
o DN được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.
o Cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, của người tiêu dùng và tuân theo các quy định tại Luật cạnh tranh.
Cơ quan quản lý nhà nước không được cản trở cạnh tranh. Cụ thể:
o Cấm buộc DN, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với DN được cơ quan này chỉ định.
o Cấm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;
o Cấm ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các DN liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các DN khác cạnh tranh trên thị trường;
o Cấm có các hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý cạnh tranh:
o Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh, ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành.
o Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.
o Các bộ, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.
II. Một số thuật ngữ pháp lý trong cạnh tranh:
"Thị trường liên quan": bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.
Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận.
"Hành vi hạn chế cạnh tranh": là hành vi của DN làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Bao gồm các hành vi sau: Thoả thuận hạn chế cạnh tranh, Lạm dụng "vị trí thống lĩnh thị trường", lạm dụng "vị trí độc quyền, tập trung kinh tế"."
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh": là hành vi cạnh tranh của DN trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác hoặc người tiêu dùng.
"Thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định": là tỷ lệ % giữa doanh thu bán ra của DN này với tổng doanh thu của tất cả các DN kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ % giữa doanh số mua vào của DN này với tổng doanh số mua vào của tất cả các DN kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.
"Thị phần kết hợp" là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các DN tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế.
"Giá thành toàn bộ của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ": bao gồm: a) Giá thành sản xuất sản phẩm, dịch vụ; giá mua hàng hoá; b) Chi phí lưu thông đưa hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng.
"Bí mật kinh doanh" là thông tin có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không phải là hiểu biết thông thường;
b) Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó;
c) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
"Vụ việc cạnh tranh": là vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật cạnh tranh, bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
"Tố tụng cạnh tranh" là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh.
III. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
A. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
1. Thế nào là "hành vi cạnh tranh không lành mạnh"?
Điều 39 Luật cạnh tranh xác định những hành vi sau đây là "hành vi cạnh tranh không lành mạnh":
1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;
2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;
3. ép buộc trong kinh doanh;
4. Gièm pha doanh nghiệp khác;
5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;
9. Bán hàng đa cấp bất chính;
10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác (do Chính phủ quy định).
2. Những "hành vi cạnh tranh không lành mạnh" bị cấm
Theo Luật cạnh tranh, tất cả những hành vi cạnh tranh không lành mạnh nêu tại điều 39 (ở trên) đều bị cấm. Nghĩa là DN không được phép thực hiện bất kỳ hành vi nào trong số những hành vi cạnh tranh không lành mạnh được nêu ở trên.
B. Quy định cụ thể về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh
1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn (Điều 40)
"Chỉ dẫn gây nhầm lẫn" là chỉ dẫn chứa đựng những thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác, do DN thực hiện nhằm làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.
Ví dụ: Công ty X sản xuất nước khoáng, đặt tên sản phẩm và thiết kế nhãn hàng hóa là LaviX có hình thức rất giống với sản phẩm và nhãn hàng LaVie của công ty LaVie. Điều này làm khách hàng lầm tưởng đây là sản phẩm của công ty LaVie.
Hàng nhái, hàng giả gây nhầm lẫn (ảnh minh họa)
2. Xâm phạm bí mật kinh doanh (điều 41)
"Xâm phạm bí mật kinh doanh" là những hành vi có dấu hiệu sau đây:
1. Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
2. Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh;
3. Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
4. Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.
3. Ép buộc trong kinh doanh (điều 42)
"Ép buộc trong kinh doanh" là việc doanh nghiệp có hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác, thông qua các hành vi có dấu hiệu đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
Ví dụ: Công ty A sản xuất thịt hộp khi chào hàng cho các cửa hàng/doanh nghiệp bán lẻ tại quận K, kèm theo công văn của Chủ tịch UBND quận K, có nội dung "khuyến cáo" các doanh nghiệp tại địa phương phải mua hàng của công ty A.
4. Gièm pha doanh nghiệp khác (điều 43)
Gièm pha doanh nghiệp khác là việc doanh nghiệp có dấu hiệu trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
<- Gièm pha, nói xấu doanh nghiệp khác là hành vi bị cấm
5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác (điều 44)
"Gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác" là hành vi doanh nghiệp này trực tiếp hoặc gián tiếp có những hành vi có dấu hiệu cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kia.
Ví dụ: Công ty A thuê người đến một trường học và nói xấu, chê bai sản phẩm của doanh nghiệp B (sản xuất kinh doanh cùng ngành hàng), và tặng sản phẩm của công ty mình cho các em học sinh.
6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh (điều 45)
Quảng cáo là hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc quảng cáo phải được thực hiện theo quy định tại pháp luật về quảng cáo. Các hành vi quảng cáo sau đây bị xác định là hành vi "quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh":
1. So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;
Ví dụ: Công ty Y sản xuất nước ngọt, quảng cáo so sánh chất lượng và thành phần trong sản phẩm của mình với sản phẩm của công ty Cocacola. Từ đó cho rằng sản phẩm mình là tốt nhất.
2. Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng;
3. Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây:
a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công;
b) Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành;
c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.
4. Các hoạt động quảng cáo khác mà pháp luật có quy định cấm.
7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh (điều 46)
Điều 46 Luật cạnh tranh quy định các hành vi sau đây được xác định là hành vi "khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh" và bị cấm:
1. Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng;
2. Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
3. Phân biệt đối xử đối với các khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau trong cùng một chương trình khuyến mại;
4. Tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình;
5. Các hoạt động khuyến mại khác mà pháp luật có quy định cấm.
8. Phân biệt đối xử của hiệp hội
Điều 47 Luật cạnh tranh quy định những hành vi có dấu hiệu sau đây bị xác định là "phân biệt đối xử của hiệp hội". Luật cấm hiệp hội ngành nghề thực hiện các hành vi sau đây:
1. Từ chối doanh nghiệp có đủ điều kiện gia nhập hoặc rút khỏi hiệp hội nếu việc từ chối đó mang tính phân biệt đối xử và làm cho doanh nghiệp đó bị bất lợi trong cạnh tranh;
2. Hạn chế bất hợp lý hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác có liên quan tới mục đích kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên.
9. Bán hàng đa cấp bất chính
Điều 48 Luật cạnh tranh quy định những hành vi có dấu hiệu sau đây bị xác định là hành vi "bán hàng đa cấp bất chính". Pháp luật cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Ghi chú: Các vấn đề và quy định về bán hàng đa cấp còn được Chính phủ quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Quý vị nên tìm hiểu thêm.
IV. Vấn đề kiểm soát "hành vi hạn chế cạnh tranh"
Ngoài việc cấm doanh nghiệp có những "hành vi cạnh tranh không lành mạnh" như nêu ở phần trên, Luật cạnh tranh 2004 còn quy định về việc kiểm soát hành vi có dấu hiệu "hạn chế cạnh tranh". Tức là những hành vi làm hạn chế, ảnh hưởng đến quyền cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp khác.
Cụ thể Nhà nước kiểm soát trong 3 lĩnh vực sau đây:
- Kiểm soát việc các DN "bắt tay" nhau thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh.
- Kiểm sát việc DN lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hay vị trí độc quyền mà mình đang có.
- Kiểm soát việc các DN có hành vi "tập trung kinh tế" nhằm mục đích hạn chế cạnh tranh.
A. Kiểm soát DN "thỏa thuận hạn chế cạnh tranh"
I. "Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh" là gì?
Theo Điều 8 Luật cạnh tranh, các thoả thuận giữa các doanh nghiệp bị xác định là "thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh" khi có dấu hiệu và bao gồm 8 hành vi sau:
1. Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
Ví dụ: Nhóm 3 doanh nghiệp cùng sản xuất nước khoáng là công ty A, công ty B và công ty C thỏa thuận với nhau là cùng bán sản phẩm chung một giá và thấp hơn các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng lĩnh vực.
2. Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;
3. Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;
4. Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;
Ví dụ: Nhóm doanh nghiệp A, B, C thỏa thuận cùng nhau tiến hành các hoạt động mang tính "đi đêm", ngăn cản không cho doanh nghiệp K hoạt động cùng lĩnh vực tiến hành kế hoạch mua máy móc thiết bị đời mới từ châu Âu.
5. Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
6. Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
7. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;
8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
II. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm:
1. Cấm tuyệt đối:
Theo quy định tại Điều 9 Luật cạnh tranh, có 3 hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau bị cấm tuyệt đối (tại các mục 6, 7 và 8 nêu trên). Cụ thể là:
- Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
- Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;
- Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
2. Cấm có điều kiện:
Theo quy định tại Điều 9 Luật cạnh tranh, các thoả thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 (Điều 8) nêu trên bị CẤM, khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.
B. Kiểm soát việc DN lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hay vị trí độc quyền mà mình đang có:
I. Kiểm soát việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
1. Thế nào là DN, nhóm DN "có vị trí thống lĩnh thị trường"?
Theo Điều 11 Luật cạnh tranh, DN hay nhóm DN được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường khi:
1. DN có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
2. Nhóm DN:
a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.
2. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm
Theo Điều 13 Luật cạnh tranh, cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây:
1. Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
2. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng;
3. Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng;
4. Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh;
Ví dụ: Nhóm doanh nghiệp A, B, C là doanh nghiệp "có vị trí thống lĩnh thị trường" hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước uống, cùng thống nhất đưa ra quy định là các đại lý phải mua hàng với số lượng lớn tại tỉnh N và không được bán hàng của của doanh nghiệp khác ngoài A, B và C.
5. Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;
6. Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới.
II. Kiểm soát việc lạm dụng vị trí độc quyền:
1. Thế nào là DN "có vị trí độc quyền"?
Theo Điều 12 Luật cạnh tranh, DN được coi là có vị trí độc quyền nếu không có DN nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà DN đó kinh doanh trên thị trường liên quan.
Ví dụ: Trong hoạt động vận tải đường sắt ở nước ta hiện nay.
2. Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Điều 14 Luật cạnh trang cấm doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây:
1. Các hành vi quy định tại Điều 13 của Luật này;
2. Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng;
3. Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng.
C. Kiểm soát việc "tập trung kinh tế" gây ảnh hưởng đến cạnh tranh lành mạnh:
I. Tập trung kinh tế là gì?
Theo Điều 16 Luật cạnh tranh, "tập trung kinh tế" là hành vi của DN bao gồm:
1. Sáp nhập doanh nghiệp;
2. Hợp nhất doanh nghiệp;
3. Mua lại doanh nghiệp;
4. Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
5. Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
II. Những trường hợp tập trung kinh tế bị cấm
Theo Điều 18 Luật cạnh tranh, cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp được "miễn trừ".
Theo quy định tại Điều 19, tập trung kinh tế tuy bị cấm nhưng có thể được xem xét miễn trừ trong các trường hợp sau đây:
- Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;
- Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
………………..
Lưu ý quan trọng:
- Luật cạnh tranh còn quy định về Cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh và trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh.
- Hiện nay, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh. (Nhiều Nghị định đã được thay thế, sử đổi).