Monday, October 3, 2016

THỜI HẠN CỦA BẢN SAO Y

Thời gian qua, nhiều bạn đọc có hỏi: “Thời hạn của bản sao y là bao lâu và được quy định tại văn bản nào?” 


Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT  xin được giải đáp như sau:
- Khoản 1 và 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP  quy định:
“1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
- Hiện nay, pháp luật không có bất kỳ quy định về việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực hay được cấp từ sổ gốc.
Như vậy, có thể hiểu thời hạn của bản sao y là vô thời hạn.
bản sao
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Xét dưới góc độ thực tiễn, nên chia bản sao được chứng thực thành 02 loại sau:
- Bản sao “vô hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có giá trị vô hạn (bảng điểm, bằng cử nhân, kỹ sư…) thì bản sao có giá trị pháp lý vô hạn.
- Bản sao “hữu hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn (chứng minh nhân dân…) thì bản sao chỉ có giá trị trong thời hạn bản gốc còn giá trị.
Thanh Hữu
http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y//11116/quy-dinh-ve-thoi-han-cua-ban-sao-y.

Friday, September 30, 2016

Từ việc Vinschool chuyển sang mô hình phi lợi nhuận, nhìn lại “thị trường” giáo dục tư nhân Việt Nam

British Council cũng hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận và là đơn vị đào tạo tiếng Anh với học phí cao nhất Việt Nam. UNIS Hà Nội là một ngôi trường phi lợi nhuận dành cho cả những gia đình nước ngoài và gia đình Việt Nam hiện đang sống ở Hà Nội, mức học phí là 500 triệu đồng/năm.

Từ việc Vinschool chuyển sang mô hình phi lợi nhuận, nhìn lại "thị trường" giáo dục tư nhân Việt Nam


Trong tuần vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã công bố chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận để sử dụng cho việc tái đầu tư nhằm liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống.

Thông tin này thoạt đầu có thể khiến nhiều người nghĩ rằng Vinmec và Vinschool sẽ hoạt động không có lợi nhuận và thậm chí sẽ cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ.

Thực tế, doanh nghiệp phi lợi nhuận theo quy định là doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp và hoạt động như các doanh nghiệp thông thường. Chỉ khác là những đơn vị này cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đăng ký.

Những trường học phi lợi nhuận có học phí đắt đỏ

Có thể hiểu các trường đại học theo mô hình lợi nhuận hoạt động giống như một công ty, kinh doanh và kiếm tiền cho cổ đông trong khi những trường theo mô hình phi lợi nhuận có mục tiêu hướng đến là chất lượng giáo dục của sinh viên, giúp họ hoàn thành việc học và thành công trong sự nghiệp.

Tại Việt Nam, British Council cũng hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận và là đơn vị đào tạo tiếng Anh với học phí cao nhất Việt Nam. UNIS Hà Nội là một ngôi trường phi lợi nhuận dành cho cả những gia đình nước ngoài và gia đình Việt Nam hiện đang sống ở Hà Nội, mức học phí là 500 triệu đồng/năm.

Còn tại đại học RMIT Việt Nam (một trường phi lợi nhuận), học phí cho chương trình Đại học nằm trong khoảng 500 – 800 triệu đồng cho toàn bộ khóa học.

Một trong những trường Đại học nổi tiếng nhất thế giới – Harvard – chính là một trường đại học phi lợi nhuận. Nhưng đây cũng là một trong những ngôi trường có học phí cao và tăng nhanh nhất. Cơ hội học tập dành tại Havard dành cho sinh viên "không giàu có" là học bổng.

Bên cạnh việc thu học phí của những sinh viên giàu có, Harvard còn có nhiều nguồn thu khác. Nguồn thu chính của trường đến từ các khoản quyên góp, học phí, tài trợ, quà hiện vật. Theo Bloomberg, những khoản này chiếm từ 60-70% ngân sách của Harvard và được sử dụng để giảm gánh nặng cho sinh viên hoặc cung cấp nguồn lực dành cho học bổng. Chính vì vậy khi các trường như Harvard không nhận được nhiều tài trợ, quyên góp, họ có thể cắt giảm chi tiêu cho học bổng.

Thị trường trường học tư nhân tại Việt Nam: béo bở

Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2013, số trường Đại học, cao đẳng (công lập/ngoài công lập) tăng trưởng bình quân mỗi năm lên tới 6,5%, nhanh hơn tốc độ tăng sinh viên trong giai đoạn 2000 – 2013 (bình quân tăng 6,1%/năm).

Nhìn con số các trường Đại học, cao đẳng tăng nhanh cũng thấy được phần nào mức độ hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này dù ít đơn vị công bố con số doanh thu, lợi nhuận.

Các Tập đoàn lớn tại Việt Nam không đứng ngoài công cuộc "trồng người". Trước Vingroup, FPT và Tân Tạo đã thành lập các trường đại học mang tên mình. Ngoài ra, RMIT Vietnam, Anh văn hội Việt Mỹ (VUS), FPT Education và Trung tâm tiếng Anh Apollo là 4 trong rất nhiều trường tư tên tuổi hiện nay hoạt động tại Việt Nam.
Trong đó, FPT Education là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất. Do Tập đoàn FPT sở hữu 100% vốn, năm 2014, FPT Education đạt 590 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lợi nhuận đạt được lên tới 171 tỷ đồng. Biên lợi nhuận của FPT Education là 29%.

Trước khi Vinschool chuyển sang mô hình phi lợi nhuận thì RMIT là trường đại học phi lợi nhuận duy nhất trong nhóm các trường tư nói trên, và cũng là trường có biên lợi nhuận thấp nhất mặc dù doanh thu thực sự nổi trội. Biên lợi nhuận của RMIT chỉ ở mức 5,5% năm 2014 đạt doanh thu trên 1.100 tỷ đồng.

2 trung tâm tiếng Anh Apollo và VUS mặc dù tính chất hoạt động tương đối giống nhau, nhưng kết quả hoạt động khác biệt rõ rệt. Thành lập sau Apollo 4 năm (năm 1998), chỉ hoạt động ở Tp.HCM, VUS lại có doanh thu thuần gấp 3 lần so với Apollo. So sánh số trung tâm 2 trường có, thậm chí số trung tâm của Apollo vẫn nhỉnh hơn với 19 cơ sở trên khắp các thành phố lớn ở Việt Nam, VUS chỉ có 15 trung tâm tại Tp.HCM.

Không những thua kém về doanh thu, biên lợi nhuận của Apollo cũng thấp hơn hẳn so với VUS, chỉ đạt 7,1% trong khi VUS đạt 22,36% - là một tỷ lệ tương đối lớn đối với bất kỳ ngành kinh doanh nào.

Dù không cùng thời điểm, nhưng nếu so với các trường này, doanh thu từ mảng giáo dục của Tập đoàn Vingroup năm 2015 là 514 tỷ đồng – chiếm 1,5% doanh thu thuần của Tập đoàn – là một con số không tồi.

Hải Thanh

Theo Trí thức trẻ

Tuesday, September 27, 2016

Khách hàng Vinaphone, Mobifone, Viettel làm sao để biết mình có bị “lén” cài dịch vụ và trừ tiền oan?




Khách hàng bị 'cưỡng bức' dùng dịch vụ nhà mạng


Khách hàng của Mobifone hãy nhắn tin KT gửi 994; khách hàng Vinaphone nhắn TK gửi 123 và thuê bao Viettel hãy nhắn tin TC gửi 1228 để biết mình đang dùng các dịch vụ gia tăng nào.

Khách hàng Vinaphone, Mobifone, Viettel làm sao để biết mình có bị "lén" cài dịch vụ và trừ tiền oan?


Sự việc các khách hàng của Mobifone đang lên tiếng kiện nhà mạng này về việc bị "lén" cài dịch vụ và mất tiền một cách oan uổng đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.

Không chỉ khách hàng Mobifone, mà các khách hàng dùng nhà mạng khác cũng đang hoang mang không biết liệu mình có phải là một trong số các nạn nhân như vậy hay không.

Với thuê bao Mobifone

Khách hàng dùng MobiFone hãy nhắn tin KT cho tổng đài 994 (KT gửi 994) để kiểm tra các dịch vụ mà mình đang dùng. Tổng đài sẽ gửi tin nhắn tự động trả lời về các dịch vụ mà bạn đang sử dụng.

Hiện Mobifone đang cung cấp hơn 40 dịch vụ về giải trí như Adam&Eva, ClipZone, GameZone, 2Funny, Mobi Radio... Hơn 30 dịch vụ chuyên về thông tin như an ninh xã hội, thông tin thời tiết, m thể thao, bạn nhà nông, m care, m voice...Nhà mạng này cũng có 4 dịch vụ giáo dục và gần 20 dịch vụ về tiện ích.

Thuê bao Vinaphone

Người dùng có thể chủ động thao tác ngay trên bàn phím của mình, bấm gọi *123# và làm theo hướng dẫn. Hệ thống sẽ thông báo bạn đang dùng những dịch vụ gì, chẳng hạn 3G Vinaphone, nhạc chờ funring, Chuyển vùng quốc tế…

Người dùng cũng có thể nhắn tin TK và gửi 123, hệ thống sẽ trả về cho bạn tin nhắn chứa nội dung là những dịch vụ mà bạn dang sử dụng.

Nếu hệ thống trả về tin nhắn "quy khach hien dang khong dang ky su dung dich vu nao. De biet them chi tiet, quy khach vui long lien he tong dai 9191 (200đ/1 phut)" thì bạn có thể yên tâm là mình không sử dụng dịch vụ nào bị trừ tiền của Vinaphone cả.

Thuê bao Viettel

Khách hàng dùng Viettel hãy soạn tin nhắn TC gửi đến 1228 để xem danh sách các dịch vụ giá trị gia tăng số thuê bao Viettel này đã đăng ký. Trong tin nhắn trả lời, Viettel cũng sẽ kèm theo hướng dẫn cú pháp nhắn tin hủy dịch vụ.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể vào trang web của Viettel (vietteltelecom.vn) rồi đăng nhập bằng tài khoản Viettel . Sau khi đăng nhập, hãy bấm mục Tiện ích rồi chọn Di động trả trước hoặc trả sau rồi vào tiếp mục Tra cứu dịch vụ GTGT, nhập mã bảo mật rồi bấm Xác nhận để kiểm tra các dịch vụ.

Hiện Viettel và Vinaphone cũng đang cung cấp hàng chục dịch vụ gia tăng về các lĩnh vực giải trí tổng hợp, dịch vụ quảng cáo, âm nhạc, tiện ích, game, tin nhắn, sách truyện, tổng đài thông tin.

Bị lén cài dịch vụ và trừ tiền oan thì phải làm sao?

Cho đến nay, nhiều khách hàng không đăng ký sử dụng dịch vụ gia tăng nhưng vẫn bị trừ tiền gây bức xúc cho người dùng, nhưng dường như vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Ngay cả Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có làm việc với các nhà mạng cũng vẫn chưa làm thỏa mãn người tiêu dùng bởi các nhà mạng đều có câu giải thích rằng do người dùng điện thoại, nhất là điện thoại thông minh nhiều chức năng, không nắm bắt hết cách sử dụng điện thoại của mình nên đã đăng ký, sử dụng dịch vụ tự động mà khách hàng… không biết...








Hầu hết các khách hàng vẫn phải hoặc là gọi điện đến tổng đài yêu cầu nhà mạng cắt dịch vụ mà họ không đăng ký và chịu mất tiền oan những lần trước đó.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp đến trung tâm khách hàng của các nhà mạng, yêu cầu họ cung cấp thông tin chi tiết các dịch vụ, từng khoản một và yêu cầu họ giải thích về các trường hợp. Nếu không phải lỗi của người dùng thì nhà mạng phải trả lại tiền cho khách hàng.

Theo tư vấn của các luật sư, nếu người dùng xác định họ không đăng ký dịch vụ mà vẫn bị ép dùng dịch vụ và trừ tiền oan thì đừng ngại ngần kiện các nhà mạng.








Phương Thảo

Theo Infonet