Thật hiếm có ở Việt Nam có một ngôi làng thứ hai giữ được nét vẹn nguyên như Làng cổ Đường lâm với những nếp nhà ngói, sân gạch, tường rêu cổ kính như ngôi làng này. Nét cổ kính hiện lên từ những lối đi lát gạch nghiêng dọc theo lối nhỏ quanh co. Được làm theo lối liến trúc cổ nhưng cho tới nay những công trình ở làng cổ đường lâm vẫn giữ nguyên được nét tinh tế hiếm có.
Nghề truyền thống ở làng cổ ấy được người dân duy trì cho đến tận bây giờ. Nghề làm chè lam, kẹo lạc, hay chè kho vẫn được người Đường Lâm làm ra đãi khách. Đến Làng cổ Đường Lâm vào bất kỳ mùa nào, ngày nào bạn sẽ thấy người Đường Lâm miệt mài với những nghề truyền thống ấy. Chè lam mỗi nơi lại có những công thức khác nhau, song nguyên liệu chế biến không khác nhau là mấy. Các nguyên liệu chủ yếu là đường mật, bột gạo nếp rang, lạc rang mạch nha, gừng tươi,. Thứ quà vặt dân dã ấy không chỉ có ở làng Đường Lâm mà ở nhiều nơi khác cũng có, nhưng ở chè lam ở Đường Lâm mang dư vị riêng rất khác với chè lam nơi khác. Món quà quê bình dị ăn vào sẽ nhớ mãi bởi nó mang biết bao nhiêu tinh túy của mảnh đất hai vua.
Đến Đường Lâm, ngoài chè lam bạn cũng sẽ được người dân ở đây “mời chào” bằng món quà vặt khác ấy là món chè kho. Chè kho được người dân Đường Lâm được làm từ đỗ xanh đã được đồ lên, cho đường, dùng chiếc đũa cái to đảo thật đều tới khi những hạt đỗ như nát ra, láng mịn. Chè kho ăn khi nguội, dùng dao sắn từng miếng nho nhỏ đôi ba ngón tay, vừa ăn, vừa nhấp môi với chè xanh thì sẽ thấy vị ngọt thơm dìu dịu lan tỏa.
Một bữa cơm ở đây cũng giản dị với các món ăn nông thôn dân dã như: gà mía luộc, rau muống luộc xanh ngắt chấm tương, thịt kho tàu thơm ngậy, canh cua rau đay với cà pháo… đưa bạn vè với những kỷ niệm ngày ấu thơ bên tiếng võng kẹo kẹt đung đưa trên trong những trưa hè bình dị, ấm áp.
Một ngày trải nghiệm khám phá ở đất hai vua trong không gian thanh bình và trong lành, với bao nhiêu thú vị khi ra về bạn nên nhớ mang một vài gói kẹo dồi, kẹo lạc mang về làm quà. Món quà vặt này được bán ngay ở đầu làng - nơi du khách thường ghé thăm, nghỉ chân mỗi khi vào làng. Cũng giống như nhiều nơi khác, nguyên liệu làm kẹo không quá cầu kỳ, người Đường Lâm làm thứ kẹo ấy chỉ bao gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên, sự tinh tế và với kinh nghiệm gia truyền đã làm lên dư vị của món quà vặt nơi này. Kẹo sau khi chế biến xong được người ta lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn. Để khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy thơm, ăn kẹo dồi đường lâm bạn nên nhớ đừng thưởng thức kèm một chén chè tươi. Có như vậy, bạn mới có thể cảm thụ được những nét giản dị mà tinh tế của vùng đất làng cổ nơi đây.
Với vị trí gần đường quốc lộ và cách Hà Nội chỉ khoảng 50km, nên có nhiều cách di chuyển đến Đường Lâm trong ngày.Từ Hà Nội việc đi xe máy, xe đạp hoặc ô tô đến Đường Lâm rất đơn giản và dễ dàng. Có hai đường đi để các bạn có thể lựa chọn: Từ Hà Nội đi theo Đại lộ Thăng Long đến ngã ba Hòa Lạc thì rẽ phải, theo đường 21, đi qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 thì có biển chỉ dẫn vào Làng cổ Đường Lâm. Hai là Từ Hà Nội đi về phía Nhổn, theo đường 32 lên đến thị xã Sơn Tây, đến ngã tư giao nhau với đường 21 sẽ có lối rẽ vào cổng làng Đường Lâm ở bên tay trái đường.
Hữu Thắng (Tổng hợp)