Tuesday, April 21, 2015

THANH MINH TRONG TIẾT THÁNG BA

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang (1) chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời, 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh (2) trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh (3).
Gần xa nô nức yến anh (4),
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm (5).
Ngổn ngang gò đống (6) kéo lên.
Thoi vàng vó (7) rắc tro tiền giấy (8) bay.




Những chú thích sau đây trích từ sách "Truyện Kiều - Nguyễn Du" của Nguyễn Thạch Giang, NXB Ðại Học Và Giáo Dục Chuyên Nghiệp, Hà Nội - 1988. (Bài trên trích từ câu 39 đến 50 của Truyện Kiều)
(1) Thiều quang: ánh sáng đẹp, tức nói ánh sáng ngày xuân. Ý cả câu: Chín chục ánh sáng ngày xuân, mà nay đã ngoài sáu mươi, tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và đã bước sang tháng ba.
(2) Thanh Minh: tiết vào đầu tháng ba, mùa xuân khí trời mát mẻ, trong trẻo, người ta đi tảo mộ, tức là đi viếng và quét tước sửa sang lại phần mộ của người thân.
(3) Ðạp thanh: Giẫm lên cỏ xanh. Tiết Thanh Minh, đi chơi xuân ở chốn đồng nội, giẫm lên cỏ xanh nên gọi là đạp thanh.
(4) Yến Anh: Chim én, chim oanh về mùa xuân thường ríu rít bay từng đàn; đây ví cảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân.
(5) Ngựa xe như nước: ngựa xe qua lại nối tiếp nhau, hết lớp này đến lớp khác như nước chảy. Áo quần như nêm: Diễn tả người đi lại đông đúc, chật như nêm cối.
(6) Gò đống: Ðây chỉ chung những mồ mả, cái to, cái nhỏ.
(7) Vàng vó: Thứ đồ mã, giả những thoi vàng hình khối chữ nhật dùng trong việc cúng đưa ma hoặc lễ mộ.
(8) Tiền giấy: Chỉ loại hàng mã gồm những tờ giấy có in hình đồng tiền kẽm hay đồng tiền thời trước, dùng trong việc cúng tế ... xong lễ đốt đi cho người ở âm phủ dùng.

---
http://www.hocxa.com/VanHoc/NguyenDu/NguyenDu_TrangTho.php